Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 - Bản tuyên bố về nhân quyền ở Việt Nam
Ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh lớn của hàng chục vạn nhân dân thủ đô thuộc đủ các tầng lớp, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, công bố với toàn thể quốc dân và nhân dân thế giới rằng: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2-9-1945.
Bản Tuyên ngôn Độc lập trở thành một văn kiện cực kỳ quan trọng, là một kiệt tác,một áng “Thiên cổ hùng văn”, một áng văn lập quốc vĩ đại. Bản Tuyên ngôn Độc lập không dài, chỉ vỏn vẹn có 49 câu, với 1.010 chữ, nhưng lại chứa đựng những nội dung vô cùng to lớn, ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Bên cạnh sứ mệnh khai sinh, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, bản Tuyên ngôn Độc lập còn là bản tuyên ngôn về nhân quyền, về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng thiêng liêng giữa các dân tộc và mỗi con người của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Độc lập, tự do của mỗi dân tộc cũng như quyền con người, trong đó quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc là những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm, mà tạo hóa đã ban cho con người. Nhiều tư tưởng tiến bộ trên thế giới đã sản sinh ra những tuyên ngôn bất hủ về quyền con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn tư tưởng của Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (năm 1776), Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp (năm 1791) và đặt cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do, quyền con người ở Việt Nam vào dòng chảy của trào lưu tiến bộ trên toàn thế giới.
Nội dung bản Tuyên ngôn Độc lập.
Quan điểm độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập là ở chỗ, Người đã gắn quyền con người vào quyền của dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chống giặc ngoại xâm và bè lũ tay sai cũng là cuộc đấu tranh vì nhân quyền - quyền độc lập tự do của mỗi dân tộc. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu bằng trích đoạn Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, nhưng khái quát cao hơn, đó là: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Theo đó, điểm nhấn đặc biệt có ý nghĩa ở đây là cụm từ: “Tất cả mọi người…” được nâng tầm thành “Tất cả các dân tộc…”. Sự phát triển này là chính xác, bởi lẽ, nước mất độc lập thì tất yếu người dân mất tự do, hạnh phúc; chừng nào nước vẫn còn giặc ngoại xâm chiếm đóng thì chừng đó không có gì bảo đảm cho nhân quyền. Do đó, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để bảo đảm và phát huy quyền con người trong bất kỳ thời kỳ nào của cách mạng nước ta. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo là sự thống nhất biện chứng của các thành tố làm nên một thể thống nhất: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giai cấp và giải phóng con người.
Quyền độc lập dân tộc, quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc là những giá trị cơ bản nhất của nhân quyền. Nhưng dưới chế độ thực dân, phong kiến ở Việt Nam, quyền đó của mọi người dân đều bị tước bỏ và chà đạp. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tố cáo sự vi phạm nhân quyền của đế quốc, phong kiến tay sai trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do, dân chủ; thi hành những luật dã man; lập ra ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất đất nước và sự đoàn kết của toàn dân tộc. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học; thẳng tay chém giết những người yêu nước, thương nòi; tắm các cuộc khởi nghĩa của nhân dân trong những bể máu; thực hiện chính sách ngu dân, dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược. Về kinh tế, chúng bóc lột công nhân, nông dân đến tận xương tủy, cướp ruộng đất, rừng mỏ, nguyên liệu, độc quyền in giấy bạc, xuất - nhập cảng, đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho nhân dân bần cùng; tìm mọi cách không cho các nhà tư sản Việt Nam giàu lên, v.v…
Bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trong ngày 2-9-1945.
Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản, nhân dân Việt Nam đã đứng lên đánh đuổi thực dân, phong kiến và đế quốc, giành lại độc lập, tự do và quyền con người. Như vậy, nhân quyền ở Việt Nam nhất quyết không phải là giá trị do ai ban phát mà là kết quả của cuộc đấu tranh trường kỳ của nhân dân Việt Nam. Trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: Cuộc đấu tranh của nhân dân ta đã làm cho “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”.
Độc lập dân tộc là yếu tố khởi đầu nhưng không phải là yếu tố duy nhất bảo đảm cho quyền con người. Kết thúc bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Con người được sống trong đất nước độc lập nhưng phải được hưởng tự do, ấm no, hạnh phúc. Đó chính là chất lượng sống của nhân dân trong chế độ mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Những giá trị về quyền con người do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng trong Tuyên ngôn Độc lập là những giá trị bất hủ. Từ đó đến nay, nhân dân Việt Nam đã không ngừng phấn đấu cho quyền con người và đạt được nhiều kết quả tích cực, rất quan trọng.
Hiện nay, với những thành tựu về việc bảo đảm quyền con người (cả trên lĩnh vực đối nội và đối ngoại), Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016). Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã dành một phần rất quan trọng quy định về quyền con người. Với quy định chung “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và luật” (Điều 14). Theo đó, nội dung về quyền con người ở Việt Nam đã được xác định một cách căn bản, hệ thống trong các văn bản pháp luật của Nhà nước; đồng thời, Việt Nam thừa nhận những giá trị chung của nhân loại về quyền con người.
Kể từ ngày bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời đến nay, vị thế đất nước đã có nhiều đổi thay, lời thề lịch sử từ Chủ tịch Hồ Chí Minh với bản Tuyên ngôn Độc lập luôn rọi sáng mọi trái tim, khối óc của người Việt Nam yêu nước trên mọi vùng, miền của Tổ quốc và định cư ở nước ngoài. Thông điệp của Tuyên ngôn Độc lập cho thế hệ người Việt Nam là: quyết giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Chỉ có như thế và trên cơ sở tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì nhân quyền mới được bảo đảm. Đồng thời, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là nhân tố nền tảng cho sự tiến bộ không ngừng của quyền con người.
Phương Anh (tổng hợp)
Nguồn: http://baotanglichsu.vn (MH)