Học và làm theo chỉ dẫn của nhà báo Hồ Chí Minh
(TG) - Báo chí cách mạng Hồ Chí Minh luôn hàm chứa tư tưởng và mục tiêu nhất quán: Lấy dân làm gốc, kết hợp sâu sắc giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và thời đại, lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ những lời căn dặn, từ những tác phẩm báo chí của Người, đội ngũ những người làm báo học hỏi và được tiếp thêm kinh nghiệm, được truyền thêm sức mạnh tinh thần và tâm huyết nghề nghiệp trong sự nghiệp “phò chính trừ tà”.
Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất. Trong cuộc đời hoạt động và đấu tranh cách mạng của mình, Người đã luôn sử dụng báo chí để xây dựng, phát triển phong trào cách mạng, đồng thời là vũ khí sắc bén để tiến công kẻ thù. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói về nhà báo Hồ Chí Minh như sau: “Hồ Chí Minh là nhà chiến lược, nhà lãnh đạo, nhà tổ chức, đồng thời là nhà văn hoá, nhà báo, nhà thơ lớn…Suốt đời, Hồ Chí Minh là người cầm bút chiến đấu trên mặt trận văn hoá, báo chí với văn phong đa dạng nhiều sắc thái mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc tốt đẹp, bằng những lời lẽ giàu hình tượng, nói lên được những điều lớn bằng những chữ nhỏ”[1].
1. Báo chí cách mạng Hồ Chí Minh
Nhận thức sâu sắc rằng, báo chí là một bộ phận không thể thiếu được của đời sống tinh thần trong xã hội và của sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh đã coi báo chí là một trong những hoạt động thực tiễn của mình trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Vào đầu thập niên 1920, Hồ Chí Minh đã học viết báo và viết nhiều bài báo lên án tội ác chủ nghĩa thực dân, phê phán tình trạng mất “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí” của nhân dân lao động ở các thuộc địa dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Minh chứng hùng hồn nhất cho việc sử dụng ngòi bút và trang giấy làm vũ khí để kêu gọi nhân dân lao động nói chung, nhân dân Việt Nam nói riêng đoàn kết lại, vùng lên chiến đấu cho lý tưởng độc lập, tự do, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người là vai trò và nỗ lực của Hồ Chí Minh khi sáng lập và tham gia sáng lập các tờ báo Le Paria (1922); Thanh niên (1925); tạp chí Đỏ (tạp chí của Đảng Cộng sản Đông Dương, xuất bản ở Trung Quốc), số 1 ra ngày 5/8/1930; báo Việt Nam độc lập (1941), v.v.. và Người đã viết nhiều bài đăng trên các tờ báo, các tạp chí (bằng nhiều ngôn ngữ và rất nhiều bút danh khác nhau) để tổ chức, đoàn kết nhân dân, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã khẳng định trong một tờ truyền đơn cổ động cho việc mua báo Le Paria là: Tờ báo này sẽ giúp nhân dân thuộc địa thoát khỏi cảnh nô lệ, quét sạch mọi kẻ bóc lột cho những người cùng khổ. Từ nội dung đăng tải trên báo Le Paria (Cơ quan ngôn luận của Hội liên hiệp thuộc địa), số 1 ra tháng 4/1922, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và ban biên tập đã làm cho tờ báo trở thành người bạn thực sự của nhân dân lao động tại các thuộc địa. Rất đúng lúc, đúng thời điểm, báo Le Paria đã cùng tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp tố cáo tội ác, dã tâm xâm lược của bọn thực dân và đặc tả nỗi thống khổ của những người dân nô lệ ở các thuộc địa. Từ sự kết tội, vạch trần bản chất của Chính phủ thuộc địa đến việc thức tỉnh những người dân thuộc địa, kêu gọi họ đoàn kết lại, nhân nguồn sức mạnh của họ trong cuộc đấu tranh để “tự giải phóng”; đồng thời, khẳng định mối quan hệ giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc,… báo Le Paria thực sự “là tiếng nói chính nghĩa của giai cấp vô sản và nhân dân bị áp bức các thuộc địa. Báo Người cùng khổ là vũ khí để chiến đấu. Sứ mệnh của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người”[2]…
Sau đó, tại Quảng Châu (Trung Quốc) năm 1925, Hồ Chí Minh đã sáng lập tờ báo Thanh niên (cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên), số 1 ra ngày 21/6/1925. Với báo Thanh niên, tính vô sản, tính Đảng được thể hiện rõ trong nội dung tuyên truyền, trong khuynh hướng phát triển của tờ báo. Dòng tư tưởng của thời đại, nhiệm vụ tập hợp lực lượng cách mạng, cách thức tổ chức các đoàn thể, phương pháp đấu tranh cách mạng và đặc biệt là việc nêu rõ vai trò, tính tất yếu phải có Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng,v.v.. được nêu rõ trong các số báo, đã góp phần quan trọng đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung và báo chí Việt Nam nói riêng chuyển sang một giai đoạn mới. Nêu rõ, “thành lập Đảng chính trị là cần thiết cho một dân tộc đòi quyền tự do, một Đảng là tổ chức của những người cùng chung một tôn chỉ, mục đích” (Báo Thanh niên, số 5, ngày 19/7/1925), và “làm cách mạng phải biết cách mạng là việc chung, nên phải lấy lòng chí công vô tư mà theo dõi các công việc, lại phải biết cách mạng cốt nhất là sự hy sinh, hy sinh gia đình, hy sinh tính mệnh, hy sinh lợi quyền, hy sinh ý kiến (Báo Thanh niên, số 65, ngày 17/10/1926), đến việc nhấn mạnh: “Cách mạng trước hết phải tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, sau cùng mới dùng đến vũ lực, đừng chăm chỉ biết làm cách mạng bạo động” (Báo Thanh niên, số 72, ngày 5/12/1926),v.v.. Báo Thanh niên - khởi nguồn báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, về Đảng Cộng sản, về chủ nghia cộng sản, v.v.. là vũ khí của những người Việt Nam yêu nước trong cuộc đấu tranh giữa khuynh hướng vô sản và khuynh hướng phi vô sản vào những năm 1925-1927, góp phần đưa đến sự ra đời của các tổ chức cộng sản và sau đó là sự hợp nhất, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - bộ tham mưu của giai cấp và dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu Công ty truyền hình “Sóng điện Nhật Bản” và trả lời phỏng vấn ngày 28/5/1962
Năm 1941, Hồ Chí Minh đã bí mật về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước. Để có thể động viên, tổ chức và đoàn kết nhân dân tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã sáng lập báo Việt Nam độc lập (Việt Lập - cơ quan tuyên truyền của Việt Minh tại Cao bằng), số 1 ra ngày 1/8/1941. Chĩa mũi nhọn đấu tranh vào kẻ thù chủ yếu của cách mạng Việt Nam là thực dân Pháp và phát xít Nhật cùng bè lũ tay sai, với cách viết ngắn gọn, rõ ràng, giản dị, báo Việt Nam độc lập đã tố cáo, lên án tội ác và âm mưu thâm độc của kẻ thù về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, v.v.. và cổ vũ, kêu gọi các tầng lớp nhân dân hăng hái gia nhập các đoàn thể cứu quốc của Việt Minh, vì “Việt Minh là gốc phong trào. Muốn được giải phóng, phải vào Việt Minh”. Đặc biệt, tờ báo và các bài báo của Người viết đã nhấn mạnh vai trò của đoàn kết, phải tăng cường tình đoàn kết, với tinh thần: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”, góp phần giáo dục tinh thần cách mạng, ý chí chiến đấu và phương pháp cách mạng cho quần chúng nhân dân, v.v.. Là một hình mẫu của báo chí cách mạng Việt Nam, báo Việt Nam độc lập “là người cán bộ tuyên truyền, tổ chức, đấu tranh gây ảnh hưởng cách mạng thật mau chóng”[3], và những bài viết của Người đăng trên đó được quần chúng nhân dân yêu mến, được truyền nhau đọc trên địa bàn mấy tỉnh miền núi phía Bắc, tạo sự lan tỏa, góp phần vào sự phát triển của phong trào cách mạng...
2. Học tập và làm theo nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh
Là bậc thầy của báo chí cách mạng Việt Nam, nhưng Hồ Chí Minh chỉ nhận mình là một “người có nhiều duyên nợ với báo chí”. Mỗi khi đọc lại những bài báo trong di sản báo chí Người để lại, mỗi nhà báo đều thấy rõ quan điểm của Người: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc..., vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”[4]. Vì vậy, “tất cả những gì Người viết ra đều là sự phản ánh trung thực, hồn nhiên vẻ đẹp cao quý trong đạo đức, trí tuệ và tâm hồn của một nhân cách lỗi lạc, vì vậy tất cả đều hiện ra chân thực, giản dị, tự nhiên, vốn là những chuẩn mực tiêu biểu cho cái đẹp - cái hoàn thiện của con người”[5].
Không chỉ là Người sáng lập, tham gia sáng lập và là linh hồn của nhiều tờ báo cách mạng (Le Paria, Thanh niên,Việt Nam độc lập,v.v.. ), “góp phần thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, lên án chủ nghĩa thực dân, chỉ đạo phong trào cách mạng thuộc địa”[6], trong hành trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh cũng đồng thời là tác giả của nhiều bài báo đăng trên các tờ báo, tạp chí quốc tế như: Nhân đạo, Đời sống công nhân, Thư tín quốc tế, Sự thật... và báo chí trong nước như: Cứu quốc, Quân du kích, Nhân dân, v.v..
Hồ Chí Minh từng nói: “Tờ báo Đảng như những lớp huấn luyện giản đơn thiết thực và rộng khắp. Nó dạy chúng ta những điều cần biết làm tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta”. Do đó, “khi viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói chớ viết”; “khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”… Đặc biệt, “báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phai có đường lối chính trị đúng... phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”[7]và “báo chí của ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới... Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”…
Sinh thời, dù rất bận với những công việc quốc gia đại sự, Hồ Chí Minh vẫn đặc biệt quan tâm đến báo chí, gắn bó với báo chí và thường làm giàu kho tư liệu, chất liệu báo chí của mình bằng cách thường xuyên đọc báo (khi đọc có ghi chép cẩn thận, để biết thông tin, để góp ý kiến) và viết báo. Qua đọc báo, Hồ Chí Minh hiểu rõ hơn về cuộc sống, chiến đấu, về sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta; về tình hình cách mạng thế giới, v.v.. và dành tặng nhiều Huy hiệu của Người cho các cá nhân có thành tích trong các lĩnh vực được nêu gương trên báo chí. Cùng đó, Người dành nhiều thời gian đi thăm các địa phương, động viên nhân dân miền Bắc thi đua với tiền tuyến lớn miền Nam và từ thực tiễn đó, những chất liệu chân thực của đời sống xã hội đã được chuyển tải trong các bài báo của Người về các đề tài: chính trị, kinh tế,văn hoá, xã hội, giáo dục... Sâu sắc và kịp thời, sống động và tràn đầy niềm tin tưởng, những tác phẩm báo chí của Người, dù dài hay ngắn, dù là lý luận hay phản ánh thực tiễn đều nhất quán và kiên định mục tiêu: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Bác Hồ với phóng viên báo chí
Trong mọi thời điểm của sự nghiệp cách mạng, để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, ngòi bút của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh thường kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn và phản ánh sinh động thực tiễn. Khi viết, bao giờ Người cũng xác định rõ những nội dung cụ thể như: Viết cho ai? Viết cái gì? Viết để làm gì? Viết như thế nào? để viết cho dễ hiểu, dễ nhớ, để báo chí cách mạng “không chỉ thể hiện tính tiên phong” mà còn “góp phần định hướng” cho sự phát triển, cho việc kêu gọi và cổ vũ quần chúng góp sức vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Đây không chỉ là ý kiến, trăn trở và tâm huyết của Hồ Chí Minh về nghề báo, về đạo đức của nhà báo cách mạng, mà đó còn chính là những đúc kết của hơn 50 năm hoạt động báo chí của nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh (kể từ khi Người thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp ký tên vào bản Yêu sách của nhân dân An Nam và báo Nhân đạo (L’Humanite) đã đăng bài báo đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc về bản yêu sách đó dưới đầu đề Quyền của các dân tộc, ngày 18/6/1919, cho đến bài báo cuối cùng Thư trả lời Tổng thống Mỹ, Hồ Chí Minh viết ngày 25/8/1969, đăng trên báo Nhân dân, 7/11/1969).
Trân trọng mỗi tác phẩm của mình và trân trọng độc giả của mình, nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh luôn tâm niệm rằng: nói và viết không chỉ đơn thuần là kỹ thuật dùng con chữ, mà chính là làm cho mỗi tác phẩm báo chí thể hiện được chủ đề tư tưởng, cái tâm chân chính và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Khi viết, mỗi người đều phải cẩn thận, cân nhắc, chớ ham dùng chữ, viết rồi phải đọc đi đọc lại, cốt làm thế nào để truyền đạt được một lượng thông tin nhiều nhất đến với công chúng qua một số lượng ngôn ngữ ít nhất; phải chú ý giữa phát hiện, kịp thời biểu dương cái tốt và phê phán cái cái xấu; cân đối giữa phản ánh cái hay, cái đẹp với chỉ ra cái chưa tốt, chưa hay… Đồng thời, muốn hấp dẫn bạn đọc, trong mỗi tác phẩm báo chí: câu văn phải có lửa, nội dung phải có hồn; không thổi phồng khó khăn khiến nhân dân e ngại, cũng không nên tô hồng sự thật dẫn đến tư tưởng chủ quan, thậm chí không tin. Bởi, trách nhiệm của nhà báo là phải nêu cái hay, cái tốt, cũng đồng thời biết phê bình cái xấu, cái khuyết điểm... để “gạn đục, khơi trong”, định hướng và tạo đồng thuận trong xã hội, góp phần lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy gương người tốt, việc tốt hàng ngày giáo dục lẫn nhau nhằm thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, góp phần giáo dục và nâng cao trình độ mọi mặt của quần chúng.
Để đáp ứng nhu cầu thông tin cho công chúng, nhà báo phải phản ánh thực tiễn bằng chất liệu “thực và sống”; bằng trí tuệ, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp “trung và chính”. Do đó, theo Hồ Chí Minh, mỗi người làm báo phải thường xuyên học trong xã hội, học nơi công tác thực tế và học trong quần chúng; phải luôn nhớ và thực hành năm điều: biết nghe, biết hỏi, biết thấy, biết xem và biết nghĩ để cho ra đời những tác phẩm báo chí thiết thực, bổ ích cho cách mạng và nhân dân; đồng thời “khuyến khích quần chúng góp ý kiến và phê bình mình để tiến bộ mãi”.
Gần nửa thế kỷ hoạt động báo chí, di sản báo chí Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta vẫn còn nguyên giá trị thời sự và đậm chất nhân văn sâu sắc. Báo chí cách mạng Hồ Chí Minh luôn hàm chứa tư tưởng và mục tiêu nhất quán: Lấy dân làm gốc, kết hợp sâu sắc giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và thời đại, lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nói như GS. Hà Minh Đức: “Hồ Chí Minh là nhà báo với ý nghĩa chân chính nhất của nhà báo”. Từ những lời căn dặn, từ những tác phẩm báo chí của Người, đội ngũ những người làm báo học hỏi và được tiếp thêm kinh nghiệm, được truyền thêm sức mạnh tinh thần và sự tâm huyết nghề nghiệp trong sự nghiệp “phò chính trừ tà”.
Để báo chí Việt Nam thực sự là công cụ tuyên truyền đắc lực của Đảng, Nhà nước, để mỗi nhà báo thực sự là một người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng và đặc biệt là “báo chí phải đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, làm cho hệ tư tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc, những tinh hoa văn hóa thế giới chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội”[8]; đồng thời là diễn đàn của nhân dân, phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước..., mỗi nhà báo phải nhận thức được tầm quan trọng của vị thế, vai trò và trách nhiệm của mình. Đồng thời, để mỗi bài báo không dừng lại là những luận thuyết khô khan mà thực sự mang hơi thở của cuộc sống hiện tại, phản ánh sinh động thực tiễn, tác động đến nhận thức, tâm tư, tình cảm, tư tưởng của quần chúng và hành vi của cộng đồng, mỗi nhà báo phải luôn thấm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn của nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh về cả chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm báo và nhất là “cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng”[9]. Đó cũng là thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh nói riêng./.
[1] Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb. Sự Thật, H, 1990, tr.70
[2] Lời kêu gọi của báo Le Paria, số 1, ra ngày 1/4/1922, lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh
[3] Võ Nguyên Giáp: Bác Hồ, Nxb. Văn học, H, 1960, tr.188
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1996, t.11, tr.441
[5] Nguyễn Văn Linh: Bác Hồ sống mãi với non sông, Nxb. Sự Thật, H, 1990, tr.16
[6] Song Thành: Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb. Lý luận chính trị, H, 2006, tr. 721
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.414
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị Trung ương 5 khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2007, tr.115.
[9] Hồ Chí Minh:Toàn tập, Sđd, t.10, tr.616
Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo (MH)