Giáo dục lý tưởng, đạo đức phải luôn trong suy nghĩ mỗi cán bộ Đoàn
Sáng ngày 27/5, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đoàn lần thứ ba, Khoá XI họp tại Côn Đảo, đã thảo luận cho ý kiến dự thảo các văn bản quan trọng liên quan đến giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống; chăm sóc bảo vệ thiếu niên, nhi đồng; hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn.
Các dự thảo văn bản được góp ý gồm: Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thanh thiếu nhi, giai đoạn 2018-2022”; “Kết luận Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Khoá XI về tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên”; “Kế hoạch triển khai cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”, giai đoạn 2018-2022”; “Báo cáo sơ kết 02 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi”; Dự thảo kết luận Hội nghị lần thứ ba Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Khoá XI về “Nâng cao vai trò của Đoàn trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2018-2022”; Dự thảo “Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khoá XI”.
|
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong yêu cầu, việc giáo dục lý tưởng, đạo đức phải luôn trong suy nghĩ của mỗi cán bộ Đoàn. |
Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào các dự thảo. Nhận được nhiều ý kiến sôi nổi nhất là Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thanh thiếu nhi, giai đoạn 2018-2022”.Các ý kiến thể hiện nhất trí cao với sự cần thiết, tính cấp thiết, tính khả thi, các mục tiêu và giải pháp chính của dự thảo Đề án và góp thêm nhiều ý kiến thiết thực.
Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn Nguyễn Thị Thu Vân nêu ý kiến: "Cần xây dựng điển hình một cách bền bỉ, dài hơi như trước đây đã xây dựng các tấm gương thành các tượng đài của tuổi trẻ".Bên cạnh đó, đồng chí Thu Vân góp ý cần chú ý thêm đặc điểm của thanh niên và đặc biệt là thiếu nhi là hay làm theo để quan tâm xây dựng xây dựng điển hình một cách bền bỉ, dài hơi, như trước đây đã xây dựng các tấm gương thành các tượng đài thanh niên.Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Phạm Hồng Sơn thấy cần thiết phải có thêm các hoạt động đề cao sự hiếu thảo, xây dựng “người con hiếu thảo” trước thực tế mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè có những biểu hiện bất an. Cũng cần xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc. Đây là xây dựng những nền tảng tốt cho việc hình thành các thanh niên lý tưởng, có văn hoá.Gần với ý kiến này, Trưởng Ban Quốc tế Trung ương Đoàn Nguyễn Hải Minh cho rằng, cần chú ý các bậc phụ huynh trẻ, làm sao họ nhận thức được vai trò của họ trong giáo dục thiếu nhi ở gia đình.Về vấn để sử dụng mạng xã hội, Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Phạm Hồng Sơn cho rằng nên có Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của cán bộ Đoàn.
|
Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Phạm Hồng Sơn |
Bí thư Thành Đoàn Cần Thơ Đào Chí Nghĩa nhận xét cần phải có những giải pháp phù hợp cho từng đối tượng thanh niên do những đặc thù của họ như thanh niên công nhân (làm ca kíp), thanh niên nông thôn (còn ở trên địa bàn hoặc đi làm ăn xa)...Đồng chí Nghĩa cho rằng, cần xem xét các hình thức tuyên truyền, giáo dục đang có, đưa ra các giải pháp mới vì một số cách làm cũ không còn hiệu quả như các cuộc thi viết cơ bản không còn tạo cảm hứng cho đoàn viên thanh niên.Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong nêu đối với nhóm đối tượng sinh viên đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, cần có nhóm giải pháp bồi đắp lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, ý thức dân tộc. Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh cùng ý kiến với Trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết nêu cần tăng cường giáo dục tuyên truyền pháp luật.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong kết luận, việc bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng lý tưởng cách mạng, đạo dức lối sống cho thế hệ trẻ là việc làm mang tầm chiến lược. Các cấp bộ Đoàn phải hết sức chủ động trong nội dung này, với từng địa phương, đơn vị có thể có nét đặc thù. Về phương thức, cách làm phải tạo không gian cho cơ sở có thể tiếp cận, cụ thể hoá trong điều kiện đặc thù của mình.Đây phải là việc làm thường xuyên, liên tục, luôn trong suy nghĩ, kế hoạch của mỗi cán bộ Đoàn. Trong công việc này, cán bộ và đoàn viên có vai trò quan trọng trong việc tạo chuyển biến ý thức trong thanh niên và thiếu nhi. Sáu triệu đoàn viên (bằng 1/4 số lượng thanh niên cả nước) nếu tạo được ảnh hưởng tốt với thanh thiếu nhi thì sẽ sẽ đạt hiệu quả lớn.Việc đổi mới phương thức thực hiện sẽ có ý nghĩa quyết định. Nếu phương thức không tiếp cận được đặc điểm đối tượng, điều kiện kỹ thuật, công nghệ thì không mang lại hiệu quả. Không bỏ phương pháp truyền thống, nhưng phải tìm cách tiếp cận mới vì diện đối tượng đang được mở rất rộng. Giá trị trực quan rất quan trọng vì tuổi trẻ phải thấy được, nghe được và trải nghiệm được.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong mong muốn các địa phương việc gì làm được thì chủ động làm, bỏ tâm lý chờ chỉ thị, hướng dẫn từ Trung ương.Kết luận phần thảo luận về dự thảo Báo cáo sơ kết 02 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi. Đồng chí Lê Quốc Phong nhận định, những nội dung cơ bản của kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW đã được triển khai ở các cấp bộ Đoàn. Tuy nhiên, tính hình thức vẫn còn ở một số cơ sở Đoàn; các sản phẩm để truyên truyền về sự nghiệp và cuộc đời Bác Hồ ít cái mới.Sắp tới cần tập trung đa dạng các tài liệu, ấn phẩm phục vụ học tập; Tăng cường rà soát, kiểm tra, hướng dẫn cơ sở thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW. Kết luận phần thảo luận Dự thảo kết luận Hội nghị lần thứ ba Ban Thường vụ Trung ương Đoàn khoá XI về “Nâng cao vai trò của Đoàn trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2018-2022”, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cho rằng, đây không chỉ là việc của Tổng phụ trách Đội. Tất cả đoàn viên, thanh niên phải coi việc chăm sóc, bảo vệ các em là nghĩa vụ của mình. Cần tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng cho cán bộ cơ sở, nếu không sẽ lúng túng khi xảy ra vụ việc.Để chăm sóc bảo vệ được thiếu nhi phải làm sao để tổ chức Đoàn là người tiếp nhận, tiếp cận thông tin ở nhóm đầu, thoát khỏi tình trạng nhận thông tin chủ yếu qua truyền thông như hiện nay. Cần kiên trì đeo bám các vụ việc liên quan để bảo vệ quyền lợi của các em. Bảo vệ các em với tư cách một tổ chức để tăng vị thế với các cơ quan có trách nhiệm xử lý.
Nguồn: Báo Tiền phong (NT)