Diệu kỳ của lời cảm ơn và xin lỗi
TTBD - Vạn vật trên thế gian này sinh ra đều mang ơn tạo hóa. Và vạn vật đều phải xin lỗi tạo hóa vì không làm tròn thiên chức của mình. Đó là nguồn gốc của cảm ơn và xin lỗi. Cũng vì nguồn gốc thiêng liêng ấy mà cảm ơn và xin lỗi có phép màu. Những phép màu giúp lòng người vui lên, hàn gắn vết thương trong kí ức, hình thành những mối quan hệ tình cảm bền lâu, làm 8 tỉ người trên trái Đất đoàn kết với nhau. Thật là một điều kì diệu!
Con người ta có nhiều việc để cảm ơn. Ta cảm ơn bạn đã cho ta một món quà, làm giúp ta một việc nào đó. Ta cảm ơn mẹ đã sinh ra ta, cảm ơn cha đã che chở cho ta. Ta cảm ơn các anh hùng dân tộc, các vị đã ngã xuống vì độc lập, tự do. Tóm lại, cảm ơn là thể hiện sự biết ơn đối với người khác, đã giúp đỡ mình trong cuộc sống.
“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương.”
Ta có nhiều việc phải nói xin lỗi. Mình xin lỗi bạn vì đã làm cho bạn giận, mình xin lỗi vì lỡ làm hỏng cây viết chì, con xin lỗi cha mẹ vì không học tập tốt,… Như vậy, xin lỗi là sự hối hận của bản thân khi gây ra một việc có lỗi với người khác. Cảm ơn và xin lỗi mang đến nhiều điều kì diệu.
Buổi sáng, đang trên đường đi học, Phúc gặp Tú, xe của Tú bị sút sên, loay hoay thế nào mà dây nhớt cả vào áo dài. Phúc không muốn giúp Tú vì trong lớp, Tú làm mất quyển tập Sinh của mình, hai bạn đang giận nhau, mặc dù Tú rất ái nái. Đi được một đoạn, Phúc quyết định quay lại sửa xe giúp Tú. Phúc sửa xong, im lặng đứng lên. Tú nhìn theo, vẫn ánh mắt ái nái nhìn Phúc mấy hôm nay, chợt Tú rút trong cặp ra một quyển tập Sinh ghi chép đầy đủ và rất cẩn thận đưa cho Phúc, nói:
- Cảm ơn bạn nha! không có bạn chắc mình trễ học mất thôi. Cho mình xin lỗi chuyện hôm bữa, bạn bỏ qua cho mình nha; tập bạn, mình đã chép lại rồi.Hai đứa mình vẫn là bạn nha!
- Chuyện đó mình quên lâu rồi, mình giận bạn hồi nào đâu mà bạn xin lỗi? Thôi, mình đi để trễ.
Trên đường, hai bạn cười nói rất vui vẻ. Cũng từ đó hai bạn hiểu nhau hơn và quan tâm nhau nhiều hơn.
Một việc làm nhỏ thôi, bằng cách mở rộng tấm lòng, mạnh dạn nói cảm ơn và xin lỗi, hai bạn Phúc và Tú đã giải tỏa được sự giận dỗi và tìm lại được tình bạn đích thực của mình. Lời cảm ơn và xin lỗi đã thực hiện một đều kì diệu.
Trong lúc xếp hàng vào lớp, Chi vô tình giẫm phải chân của Lan. Chi vội xin lỗi và dìu bạn vào lớp, mặc dù rất đau nhưng Lan không hề giận Chi, vì lời xin lỗi ấy làm Lan không cảm thấy đau mà ngược lại Lan rất thông cảm cho Chi.
Điều kì diệu của lời xin lỗi chính là làm ta cảm thấy vui hơn và cảm thông cho nhau.
Trong chương trình học tiếng Anh, nhà soạn sách thường đưa từ “hello” vào đầu tiên, sau đó là từ “sorry” và “thank you”, mục đích không phải vì những từ này dễ học, dể đọc, dễ nhớ mà là vì chúng rất quan trọng trong giao tiếp, nó thể hiện sự lịch sự của người nói và tôn trọng của người nghe. “I’m sorry…” mở đầu hội thoại và “thanks” để kết thúc hội thoại. Người Anh đã biết được sự kì diệu của cảm ơn và xin lỗi và vận dụng rất đúng vào trong giao tiếp; vì vậy tiếng Anh trở thành thứ tiếng giao tiếp thông dụng nhất trên thế giới. Một sự kì diệu đến từ phương Tây.
Nhưng không phải ai cũng nhận ra được điều kì diệu của cảm ơn và xin lỗi. Có người đợi đến khi mẹ mình già rồi mới nói: “Cảm ơn mẹ!”. Những kẻ phạm tội chỉ khi chịu tội trước pháp luật mới nói lời xin lỗi muộn màng. Ta đợi đến khi người khác bị tổn thương và mối quan hệ trở nên gay gắt, mới chịu nói xin lỗi . Bởi vì, sự kì diệu của lời cảm ơn và xin lỗi rất khó nhận rõ thù hình. Nó chỉ là chiếc bóng mờ ảo khi ẩn khi hiện trong tâm thức mỗi người. Chỉ những người sống có tấm lòng mới biết hết được điều kì diệu của nó. Chỉ khi ta biết sống vì người khác, biết quan tâm và chia sẻ cảm xúc cùng nhau, ta mới nhận ra điều kì diệu.
Lời cảm ơn và xin lỗi chỉ tỏa sáng điều kì diệu khi người ta biết nói cảm ơn và xin lỗi đúng cách. Một lời cảm ơn muộn màng hay lời xin lỗi miễn cưỡng là không thể chấp nhận được. Cảm ơn phải từ tốn nhẹ nhàng, cảm ơn bằng cả tấm lòng biết ơn và trân trọng mới là lời cảm ơn có ý nghĩa. Xin lỗi phải thành tâm, không ép buộc vì như vậy sẽ phản tác dụng. Xin lỗi phải tỏ rõ thái độ hối lỗi mới là lời xin lỗi thực sự. Sự kì diệu thể hiện ở nụ cười hài lòng của người nhận lời cảm ơn và xin lỗi ấy.
Trong học đường, cảm ơn và xin lỗi có vai trò rất quan trọng. Mình có lỗi với bạn thì phải xin lỗi bạn ngay, lỡ làm hư cây viết thì phải xin lỗi và mua cây viết khác trả bạn. mình cảm ơn bạn đã chỉ bài cho mình, con cảm ơn thầy cô đã truyền dạy kiến thức cho con. Nếu ta không biết nói lời cảm ơn, xin lỗi thì bạn sẽ giận mình và mối quan hệ sẽ trở nên gay gắt khó chịu, lâu ngày trở thành hiềm khích khó giải quyết, giống như nước tràn ly không bao giờ hốt hết lại được. Những vụ đánh nhau đáng tiếc xảy ra từ trước đến nay, một phần nguyên nhân cũng từ đó mà ra cả. Ở môi trường học đường đang dần “nóng ” lên bởi bạo lực, thì cảm ơn và xin lỗi giữ vai trò như “chiếc máy điều hòa khí hậu” giúp bạn bè biết thông cảm cho nhau, giữ cho tình bạn luôn tươi thắm, bền chặt, lâu dài. Vì lẽ đó, các bạn học sinh nên tập nói cảm ơn và xin lỗi trong những tình huống trên, đừng vì cái tôi cá nhân quá lớn mà dẫn đến sai lầm nghiêm trọng, ảnh hưởng các mối quan hệ xung quanh, bạn bè ngày càng xa lánh bạn, bạn sẽ cô đơn lắm! Chỉ hai tiếng cảm ơn, xin lỗi thôi nhưng sẽ làm nên điều kì diệu đó bạn à!
Chúng ta không thể nằm chờ sung rụng, cũng như không thể để người khác xin lỗi thì ta mới biết nói xin lỗi. Cái gì tự rèn luyện sẽ trở thành thói quen không thể bỏ. Bạn hãy mở lòng mình ra và lắng nghe tiếng động xung quanh bạn và tập thích nghi với chúng, có vậy bạn mới nhạy bén trong các tình huống và bạn sẽ thấy khi nào cần cảm ơn và khi nào cần nói lời xin lỗi. Điều kì diệu không tự có mà bạn phải tự tìm lấy. Hãy khám phá điều kì diệu ấy để hoàn thiện nhân cách của mình các bạn nhé!
CTV Biện Tuấn Vũ (MH)