Trong vài năm trở lại đây, các hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam diễn ra sôi nổi và đồng loạt. Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm thúc đẩy khởi nghiệp Việt Nam thành nền tảng phát triển kinh tế thông qua đổi mới mô hình kinh doanh và phát triển. Trên bình diện các địa phương, chúng ta đều thấy các hoạt động khởi nghiệp diễn ra mạnh mẽ và sôi động. Tuy nhiên gạt bỏ những thành tích đó, khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều điều trăn trở.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp, Ths Vũ Tuấn Anh, Trưởng Dự Án Khởi Nghiệp Cộng Đồng Hoasen Group đã có những chia sẻ tâm huyết về khởi nghiệp Việt Nam trong thời gian qua và định hướng phát triển bền vững trong thời gian tới.
Ông Vũ Tuấn Anh (trái) tại một sự kiện về Khởi nghiệp
Theo ông Vũ Tuấn Anh, nếu như chúng ta muốn Việt Nam trở thành Quốc Gia Khởi Nghiệp, cần giải quyết các vấn đề nổi cộm:
01- Thiếu tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cho toàn bộ Quốc gia Khởi nghiệp
Chúng ta nói rất nhiều về Quốc Gia Khởi Nghiệp Việt Nam, tuy nhiên Quốc Gia Khởi Nghiệp đó cần có tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị rõ ràng nhằm định hướng Việt Nam khác biệt và tương đồng với các mẫu hình khởi nghiệp trên thế giới như thế nào.
Chúng ta chưa giải được bài toán chúng ta muốn gì thì rất khó định hướng tới thành công. Thiếu đi những yếu tố cốt lõi và nền tảng, Quốc Gia Khởi Nghiệp Việt Nam chắc chắn không thể nào thành công bền vững.
Do đó, chúng ta cần xác định rõ những giá trị chúng ta muốn từ Quốc Gia Khởi Nghiệp gắn kết với kế hoạch phát triển tổng thể của Việt Nam. Những giá trị này sẽ là kim chỉ nam cho toàn bộ chương trình và hoạt động khởi nghiệp. Quan trọng hơn nữa, tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cần bắt nguồn từ những điểm mạnh mà Việt Nam chúng ta sở hữu, ví dụ nông nghiệp, thân thiện, nguồn nhân lực trẻ, vị trí địa lý...
02- Thiếu nhạc trưởng và bản kế hoạch tổng thể cả nước /vùng/địa phương
Khởi nghiệp cần có một nhạc trưởng và bản kế hoạch tổng thể Master Plan cho toàn bộ quốc gia. Bảng Master Plan này sẽ là định hướng cho các địa phương triển khai các hoạt động Khởi nghiệp thống nhất tạo kết quả tối đa. Bên cạnh đó chúng ta chưa thấy một nhạc trưởng phụ trách chính cho tổng thể kế hoạch Khởi nghiệp. Đây cũng là vấn đề của nhiều ngành tại Việt Nam.
03- Các hoạt động không có tính đột phá
Trên bình diện rộng chúng ta có thể thấy sự nhàm chán đã xuất hiện trong các phong trào khởi nghiệp như những cuộc thi khởi nghiệp, hội thảo khởi nghiệp, các hoạt động kết nối. Các hoạt động đó đã được thúc đẩy tối đa nhưng giá trị gia tăng rất thấp, thậm chí còn mang giá trị âm ngược lại.
Để Việt Nam trở thành Quốc Gia Khởi Nghiệp, chúng ta rất cần các hoạt động và chương trình mang tính chất đột phá, tạo ra những giá trị vượt trội. Nhìn chung, các hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn mang nặng tâm lý an toàn.
04- Thiếu các hoạt động dài hạn và hệ thống
Các hoạt động không mang tính chất dài hạn thường chỉ kéo dài nhiều nhất là 3 tháng. Các hoạt động không hướng tới tạo ra các nền tảng khởi nghiệp có thể được sử dụng bởi nhiều công ty, cá nhân khởi nghiệp để gia tăng giá trị. Các chương trình hoạt động mang tính chất địa phương - một tỉnh, thành phố, tuy nhiên lại hướng tới giải quyết các vấn đề mang tính chất đa khu vực, thậm chí quốc tế ví dụ phát triển sản phẩm ra thị trường quốc tế.
05- Chưa tạo ra những đầu vào vững chắc cho các doanh nghiệp khởi nghiệp
Muốn thúc đẩy số lượng và chất lượng của doanh nghiệp Khởi nghiệp, chúng ta cần tạo ra những đầu vào tốt về chất lượng và nhiều về số lượng. Đầu vào của doanh nghiệp khởi nghiệp thường đề cập tới đầu tư. Tuy nhiên, đầu tư tài chính chỉ là một phần trong công thức 5M cần thiết để xây dựng doanh nghiệp, bao gồm Manpower/Nhân lực, Machine/Máy móc trang thiết bị, Material/Nguyên vật liệu, Money/Tiền bạc, Method/Cách thức – sáng tạo đổi mới.
06- Thiếu sự kết hợp và kế thừa giữa các hoạt động và chương trình khởi nghiệp
Các hoạt động và chương trình khởi nghiệp hiện nay không mang tính chất kế thừa và kết hợp theo chiều ngang. Chúng ta có thể dễ dàng thấy trong các cuộc thi khởi nghiệp qua các năm, nhưng hình thức và giá trị không mấy thay đổi. Trong cùng một thời điểm, tại một thành phố hay địa phương có thể diễn ra các sự kiện na ná giống nhau dẫn tới nguồn lực sử dụng không hiệu quả.
07- Các hoạt động dư thừa không hiệu quả
Các hoạt động thường giống nhau dẫn tới dư thừa và lãng phí tài nguyên. Không gian làm việc chung là một ví dụ cụ thể. Tại TP HCM có hàng chục khu không gian làm việc chung dẫn tới chi phí thuê sụt giảm – hao tổn nguồn lực các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp và tỷ lệ sử dụng rất thấp do thiếu startup. Trong khi đó có rất nhiều hoạt động cần được đầu tư nguồn lực hỗ trợ cho khởi nghiệp như trang thiết bị, vốn mồi.
08- Không có hệ thống đo lường mức độ hiệu quả đồng nhất
Không có đo lường có nghĩa là không kiểm soát được hiệu quả. Toàn bộ các hoạt động khởi nghiệp cần có hê thống chỉ tiêu đo lường thống nhất từ trung ương tới địa phương, tới từng đơn vị/chức năng hỗ trợ khởi nghiệp tại địa phương. Bên cạnh đó, hệ thống chỉ tiêu đo lường này cần đo được sự phối hợp giữa các chức năng hỗ trợ trong một địa phương/tỉnh khởi nghiệp và giữa các địa phương với nhau.
Khởi nghiệp Việt Nam đang được đầu tư rất nhiều nguồn lực tài chính, cam kết, nhân lực từ các cấp, ngành cũng như trong xã hội. Tuy nhiên các nguồn lực đó chưa có được một khung hệ thống nhằm kết nối và cộng hưởng sức mạnh của từng nguồn lực. Năm 2017-2018, chúng ta rất cần có cách tiếp cận mới, kế thừa những cái đã thực hiện được và hạn chế những điểm chưa hiệu quả, nhằm thúc đẩy Việt Nam trở thành Quốc Gia Khởi Nghiệp. Hạ Tầng Khởi Nghiệp chính là nền tảng bền vững của nhiệm vụ quan trọng đó./.
Nguồn thanhnienkhoinghiep.vn (TT)