TTO - Không phải điều gì trên mạng cũng là thật. Chuyện quá đơn giản dường như ai cũng biết. Nhưng cách nào để phân biệt khi tin giả được tạo ra như thật?
|
Một thông tin giả lan truyền trên mạng Internet bằng nội dung giựt gân câu khách - Ảnh: CNN |
Trên thực tế, việc phát hiện các tin tức giả trên mạng không khó, nếu biết cách. Các kỹ năng trang bị cho người đọc trong vấn đề này đã được CNN tham khảo từ kiến thức của hai chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông: Tiến sĩ Melissa Zimdars, phó giáo sư tại Đại học Merrimack, bang Massachusetts và ông Alexios Mantzarlis, giám đốc Mạng kiểm chứng sự thật tại Viện nghiên cứu báo chí Poynter của Mỹ.
Trước hết, bạn cần phân biệt những kiểu tin giả và tin lừa đảo (là những tin có thể không giả nhưng được thao túng, chỉnh sửa cho một mục đích khác).
Ngay cả những người dành rất nhiều thời gian "lên mang", họ vẫn không thể miễn dịch được với tin tức giả |
Chuyên gia Melissa Zimdars
|
Tin tức giả và tin lừa đảo
1. Tin giả: Đây là những loại tin dễ bị nhận ra nhất và thường xuất hiện trên các trang tin giả mạo vốn được thiết kế để sao cho trông như những trang tin chính thống. Chúng có thể chứa các hình ảnh và những tít báo mà thoạt đầu mới nhìn có vẻ y như thật.
2. Tin lừa đảo: Kiểu tin này thường khó phanh phui nhất vì chúng thường chứa một phần nội dung chính là sự thật. Đó có thể là một thông tin, sự kiện hay một câu trích dẫn đã bị tách ra khỏi bối cảnh. Thông tin kiểu này thường có trong những tít báo giật gân nhưng không có các thông tin bổ trợ cho nó trong nội dung đi kèm.
3. Thông tin thiên vị: Đây cũng là một dạng thông tin lừa đảo khi những sự kiện thực tế bị người viết thao túng theo chiều hướng có lợi cho mục đích tuyên truyền của họ.
4. Thông tin câu "view": những loại tít bài gây sốc hay có tính khiêu khích lừa bạn nhấp chuột vào xem. Chúng thường không có nội dung thỏa mãn những "hứa hẹn" đã nêu trong tiêu đề bài.
5. Tin tức châm biếm: Đây là kiểu tin tức rất khó phát hiện vì dạng tin châm biếm không cần phải tỏ ra là tin tức thật, nó dùng trong mục đích bình luận hay giải trí. Với những người không quen với các trang web kiểu châm biếm, họ hiểu lầm và có thể chia sẻ thông tin trên đó như thể đó là những thông tin chính thống.
|
Hãy chậm bớt một chút trước khi chia sẻ hay post lại thông tin trên mạng Internet - Ảnh: CNN |
Mài giũa kỹ năng kiểm chứng thông tin
Với một người sống bằng nghề đào tạo các kiểm chứng viên thông tin như chuyên gia Alexios Mantzarlis, anh cho rằng, việc có một mức độ ngờ vực lành mạnh là điều quan trọng để suy nghĩ và thực sự cân nhắc trước khi chia sẻ thông tin nào đó.
Và đây là 10 câu hỏi bạn nên tự đặt ra khi cảm thấy một thông tin "có gì sai sai":
1. Tin tức đó có xuất hiện trên "website lạ" không?
Những đường dẫn (link) lạ lẫm có thể kèm theo các hậu tố tên miền kiểu như ".co" hay ".su" hoặc bất cứ một hậu tố kiểu như vậy do các nền tảng bên thứ ba kiểu như WordPress cung cấp. Nếu thông tin đến từ các trang có đường dẫn kiểu đó, hãy cảnh giác.
2. Tít bài có khớp với nội dung thông tin trong bài báo không?
Chuyên gia Mantzarlis cho rằng, một trong những lý do lớn nhất khiến tin tức giả lan truyền trên mạng xã hội Facebook chính là vì mọi người thường bị sa đà vào nội dung tiêu đề mà thậm chí không thèm nhấp chuột vào để xem thực chất nội dung đi kèm có phải như vậy không.
3. Thông tin đó mới xảy ra gần đây hay là thông tin cũ được sử dụng lại với mục đích khác?
Có rất nhiều khi những thông tin thật bị chỉnh sửa và "khai quật" lại từ thời xửa xưa nào đó để làm chất liệu cho một nội dung thông tin mới lèo lái theo chủ định của người viết.
Một ví dụ điển hình nhất là trang blog có tên Viral Liberty gần đây đăng tải thông tin nói rằng tập đoàn Ford đã di dời hoạt động sản xuất các xe tải của họ từ Mexico về Ohio sau khi tổng thống Donald Trump đắc cử. Câu chuyện này mau chóng lan truyền trên mạng, tuy nhiên trên thực tế, việc di dời này đã được Ford thực hiện từ năm 2015, tức là chẳng có liên quan gì tới chuyện bầu cử tổng thống Mỹ.
4. Các video và hình ảnh bổ trợ cho tin tức có thể kiểm chứng được không?
Chuyện lấy "râu ông nọ cắm cằm bà kia" với các bức ảnh và đoạn video trong tin tức không hề hy hữu. Tháng 4 năm nay, trang Occupy Democrats đăng tải đoạn video cho thấy một cô gái trẻ bị cảnh sát lôi ra khỏi nhà vệ sinh vì... trông không nữ tính lắm. Tuy nhiên, không có bất cứ chứng cứ nào về ngày tháng cho thấy đoạn video này được quay tại bang North Carolina là nơi mà dự luật về nhà vệ sinh được thông qua.
Trên thực tế, theo trang Snopes, đoạn video này từng được tung lên một trang Facebook từ năm 2015, tức là trước khi có những tranh cãi về dự luật nhà vệ sinh khá lâu.
5. Bài báo có trích dẫn nguồn tin ban đầu không?
Trên thực tế không chỉ có các tin tức chính trị mới bị làm giả. Trang Now8News hiện là một trong những trang tin tức giả-như-thật tai tiếng nhất, đặc biệt là những loại tin kỳ quái giật gân vốn lây lan rất nhanh trên mạng.
Một dạng tin tức kiểu như vậy nhất là gần đây trang này loan tin hãng Coca-Cola đã thu hồi những chai nước lọc Dasani sau khi phát hiện ký sinh trùng trong suốt có trong nước.
Trang này thậm chí còn đăng kèm bản tin một bức ảnh chụp một sinh vật được cho là con ký sinh trùng đó. Tất nhiên những bài báo kiểu như thế này chẳng bao giờ nêu được thông tin về các thông báo hay tuyên bố gì của những đơn vị liên quan tới thông tin mà họ phát tán.
6. Liệu có truy lại được những câu trích dẫn trong bài báo không?
Với dạng tin tức này, bạn dễ dàng phanh phui nếu dành một chút thời gian kiểm tra lại. Trang People.com có các kho dữ liệu lưu trữ lớn và bạn có thể tìm kiếm rất nhiều phát ngôn của những người nổi tiếng trong đó.
7. Đó có phải trang tin duy nhất phát đi thông tin này không?
Trong mùa bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, giáo hoàng Francis bị những kẻ tung tin giả trong ba câu chuyện hoàn toàn bịa đặt. Họ nói Giáo hoàng ủng hộ 3 ứng cử viên tổng thống Mỹ. Đầu tiên trang National Report nói ông ủng hộ Bernie Sanders, tiếp đó trang WTOE 5 News nói ông ủng hộ tỉ phú Donald Trump. Và sau rốt trang KYPO6 nói ông ủng hộ bà Hillary Clinton.
|
Thói quen đọc tin tức lướt trên di động cũng góp phần khiến ta trở thành nạn nhân của tin tức giả hay lừa đảo - Ảnh: Fotolia |
Trong những trường hợp như thế này, bạn nên tìm kiếm thêm các nguồn tin chính thống khác để xem nó có nói gì về việc đó không. Còn nếu xoay qua xoay lại mà chẳng thấy ai ngoài cái trang tin đó thì đương nhiên phải đặt dấu chấm hỏi về chuyện bịa đặt.
8. Có phải chính bạn đang thiên vị không?
Cả hai chuyên gia Zimdars và Mantzarlis đều cho rằng sự thiên vị có sẵn trong mỗi người cũng là một lý do lớn khiến cho tin tức giả có cơ hội lan tràn.
Một vài yếu tố trong đó liên quan tới thuật toán của Facebook, mạng xã hội này căn cứ vào cách hành xử của bạn với một mối quan tâm nhất định nào đó về thông tin và sẽ dẫn dắt bạn đến với mối quan tâm đó.
Chẳng hạn, nếu bạn không ưa ông Trump, bạn dễ có xu hướng suy nghĩ cho rằng những thông tin tiêu cực về ông ấy là đúng, ngay cả khi không có bất cứ bằng chứng nào.
Do đó nếu bạn đọc được một thông tin nào đó và nhận thấy có vẻ như "hay tới mức khó tin" thì hãy cẩn trọng nhé.
9. Trang tin này đã từng bị một tổ chức kiểm chứng sự thật nào phanh phui chưa?
Thực sự đã có cả một Mạng lưới kiểm chứng sự thật quốc tế đảm nhiệm công việc này. Ngoài ra còn có các trang khác như FactCheck.org, Snopes và Politifact.
10, Có danh sách nào tập hợp những trang tin không đáng tin không?
Trên thực tế, có sự khác biệt rất lớn giữa tin tức lừa đảo và tin giả, tuy nhiên cả hai loại tin này đều không đáng được độc giả quan tâm. Do đó chuyên gia Zimdars đã liệt kê một danh sách bao gồm những trang tin tức thuộc cả 2 loại này tại đây.
Trang Snopes cũng có một danh sách riêng của họ tại đây.
* Đừng bao giờ để bị dắt mũi bởi các loại tin tức giả đang được chia sẻ nở rộ trên mạng xã hội. Nội dung bài viết ở trên chỉ cung cấp kiến thức ban đầu và bạn cần luyện tập mỗi ngày mới biến chúng thành kỹ năng cho riêng mình.
Nguồn: TTO (MH)