Lê Tấn Cường - Gương thanh niên kinh doanh sản xuất giỏi
TTBD - Hiếu Liêm được biết tới là vùng chuyên canh Cây ăn trái có múi với nhiều mô hình hoạt động hiệu quả đem lợi ích kinh tế cao tại địa phương. Với các trang trại, chủ vườn thành công trong lĩnh vực này, thì trong những năm gần đây, đã có thêm nhiều gương thanh niên địa phương sản xuất kinh doanh giỏi. Điển hình như anh Lê Tấn Cường , 23 tuổi, Đoàn viên Chi đoàn ấp Cây Dâu.
Anh Cường là người con cả, cuộc sống gia đình khó khăn nên học xong lớp 9 anh đã dừng con đường học vấn của mình để đỡ đần việc ruộng vườn cho ba mẹ. Sau đó anh trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, đi bộ đội và xuất ngũ về năm 2015, anh được giữ lại huyện đội làm lực lượng thường trực. Được một năm công tác, anh xin nghĩ để về phụ giúp gia đình làm kinh tế và tích cực tham gia các phong trào đoàn, hội của địa phương, anh được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Chi Đoàn Ấp Cây Dừng, xã Hiếu Liêm.
Với mảnh vườn chưa đầy 2 hecta mà ba mình chăm chút còn kém hiệu quả, anh Cường đã không ngừng học hỏi kỹ thuật canh tác trồng chăm sóc cây có múi qua các anh chị trong CLB thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi, được các anh chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, chỉ giúp tận tình từ con giống, làm đất, và chăm sóc. Cộng với ý chí dám nghĩ, dám làm, anh vay vốn ngân hàng để cải tạo mảnh vườn trồng bưởi năm roi, da xanh truyền thống, anh đã mạnh dạng đầu tư xen canh thêm quýt và trồng thêm 1 hecta Cam. Siêng năng, cần cù, ham học hỏi, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm từ những người thành công trong lĩnh vực này, anh đã chăm chút cho mảnh vườn gia đình mình.
Anh chia sẻ: "Nhiều đêm mất ngủ vì cây không phát như cây vườn người ta. Cũng muốn ép cây cho trái sớm nhưng sợ cây si, hiệu quả các năm sau không cao. Cứ ám ảnh đến lúc thu hoạch lỡ không được mùa được giá thì sao,... " Vì chính có những suy nghĩ lo sợ như vậy mà anh đặt ra mực tiêu là bản thân phải kiên trì, cố gắng, phấn đấu làm giàu trên chính quê hương mình. Không ngừng trao dồi, học hỏi, sau gần 3 năm canh tác đến nay 1 hecta cam mà anh dày công chăm sóc đã cho thành quả xứng đáng, được mùa được giá, anh cho biết "mỗi cây Cam cho khoảng 40-50 ký, với 2000 gốc, sau khi trừ mọi chi phí đầu tư của gần 3 năm chăm sóc, lợi nhuận năm đầu thu trái khoảng hơn 100 triệu đồng".
Lê Tấn Cường - Gương thanh niên kinh doanh sản xuất giỏi
Đây là một con số không nhỏ với những thanh niên bắt đầu lập thân, lập nghiệp vươn lên làm giàu chính đáng. Nhằm biểu dương những thanh niên phấn đấu, nổ lực vươn lên trong cuộc sống, anh đã được ủy ban Hội LHTN Việt Nam xã Hiếu Liêm tuyên dương gương thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi năm 2017. Anh Cường cũng bày tỏ "trong thời gian tới đây, tôi sẽ cùng các anh chị CLB Thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi của xã sẽ không ngừng đổi mới hoạt động, học hỏi thêm, tích lũy kinh nghiệm, chia sẽ những mô hình, cái mới, cái hay, hướng dẫn cho các thanh niên muốn khởi nghiệp bằng mô hình trồng cây có múi. Đối với bản thân mình, trước hết các bạn cần hiểu được giá trị của lao động, nó khó khăn thử thách lắm, các bạn phải thật sự siêng năng chiu khó học hỏi, cố gắng hết sức thì thành công sẽ đến bên bạn".
Anh Lê Tấn Cường bên vườn cam đang thu hoạch
Bằng sức lao động và tinh thần tự lực vươn lên của anh Lê Tấn Cường, sẽ là một tấm gương sáng trong phong trào thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi. Anh là gương sáng là động lực để các thanh niên tại địa phương không ngừng nổ lực học hỏi, vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương.
Anh Lê Tấn Cường là một tấm gương sáng trong phong trào thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi
Thực hiện chương trình Đồng hành với thanh niên trên bước đường lập thân lập nghiệp đã giúp cho nhiều đoàn viên thanh niên nâng cao trình độ, kiến thức, tích cực trong học tập, lao động và sản xuất, sống có ước mơ, hoài bão, ý chí vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo, thoát nghèo tại địa phương trong công cuộc xây dựng, phát triển các mô hình hay, cách làm hiệu quả, sự liên kết trong sản xuất để xã Hiếu Liêm ngày càng đi lên.
CTV Lê Phương (DK)