NHÀ CỔ ÔNG TRẦN CÔNG VÀNG
Ngôi nhà tọa lạc trên một khu đất rộng 1.333m2, riêng phần chính (nhà trên) là 323m2, nhà phụ (nhà dưới) chiếm 119m2, được xây cất và hoàn thành vào khoảng năm 1889 – 1892. Ngôi nhà được công nhận di tích cấp Quốc ngày 07/01/1993.
Bàn tròn lớn tiếp khách ở gian giữa
Phần trang trí bên trong ngôi nhà là phần làm cho du khách thích thú nhất, đó là sự chạm khắc công phu, từ chân cột đến mái nhà, bàn ghế, trang thờ các khung cửa các ô lồng… hoành phi, liễn, đối, những bức tranh tứ bình, những tấm thủ quyển… tất cả đều chạm trổ, sơn thếp cẩn xà cừ công phu khéo léo, làm cho ngôi nhà tráng lệ mà trang nghiêm.
Phần dành để tiếp khách gồm hai lòng căn (tức từ hàng cột thứ hai đến hàng cột thứ tư), nơi đây có đặt bàn ghế để tiếp khách, bao gồm ở gian giữa làm một bàn tròn lớn, mặt bàn lót đá cẩm thạch, trên bàn đặt giá Bát bửu (tám món binh khí cổ), chung quanh bàn có đặt ghế với chạm trổ tinh vi và giàu ý nghĩa tượng trưng. Ở gian đầu là hai bàn hình hộp xoài, chung quanh đặt ghế kiểu hiện đại, tất cả các bàn ghế đều bằng gỗ. Dọc theo vách ngăn giữa phần tiếp khách và phần thờ có đặt những bàn nhỏ hình vuông bên trên có những đĩa trái cây bằng sứ, cũng nơi đây chủ nhân cho đặt một tấm Phả đồ nêu khái quát thế thứ của những người trong họ. Ở hai đầu chái nhà cũng có đặt bàn, bên trái trên bàn thờ để ảnh chủ nhân, có cặp đôi hai bên, bộ tranh tứ bình cở nhỏ, cặp câu đối và tranh tứ bình. Đặc biệt, trước của buồng ngủ đặt một cái tủ kiếng, bên trong chứa nhiều món quý như tiền cổ, nón quai thao, đồ cho cô dâu khi về nhà chồng, theo kiểu xưa.

Tiền sảnh ngôi nhà cổ của ông Trần Công Vàng
Nhà cụ Vàng vừa mang tính nghệ thuật – nhân văn đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam; đồng thời, khẳng định kỹ thuật điêu khắc, chạm trổ đã có truyền thống lâu đời ở Bình Dương. Các hiện vật trang trí và đồ dùng trong nhà còn nhiều và hầu hết là cổ vật. Toàn bộ kiến trúc ngôi nhà và hiện vật bên trong, cho ta thấy được nét sinh hoạt của gia đình thuộc tầng lớp giàu có ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thể hiện sự phát triển về đời sống của cư dân người Việt trên đất Bình Dương.
|