Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Pháp luật Việt Nam 9/11
Ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành, đánh dấu mốc son trong lịch sử lập pháp của Việt Nam.
Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc sử dụng công cụ pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Ngày 9/11 hàng năm ngày Pháp luật Việt Nam đều được tổ chức với nhiều ý nghĩa
Chính vì vậy, xuất phát từ tư tưởng của Người, 66 năm sau vào tháng 6/2012, Quốc hội đã lựa chọn ngày 9/11 làm “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” gọi tắt là “Ngày Pháp luật”.
Theo đó, hàng năng ngày Pháp luật 9/11 đều được tổ chức với các ý nghĩa: Tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trong nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Góp phần tôn vinh hiến pháp, pháp luật, xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân.
Ngoài ra, ngày Pháp luật Việt Nam cũng nhằm đề cao giá trị con người, góp phần hình thành tâm hồn, nhân cách, để mỗi con người tự ý thức về mình, về cộng đồng, về dân tộc, về đất nước; Nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân đồng thời xây dựng nền văn hóa pháp lý, lối sống theo pháp luật của người Việt Nam.
Nguồn: Báo Pháp luật và Đời sống (MH)