Bảo quản đúng cách để giữ thực phẩm tươi ngon lâu hơn
TPO - Bảo quản thực phẩm tưởng chừng là vấn đề đơn giản nhưng nhiều bà nội trợ lại vô tình làm sai cách khiến cho thực phẩm nhanh chóng bị hỏng hoặc giảm mùi vị. Dưới đây là những sai lầm phổ biến trong cách bảo quản thực phẩm hàng ngày và lời khuyên để bạn tránh lãng phí thực phẩm:
1. Sữa
Sai: Bảo quản sữa ở cánh cửa tủ lạnh
Tuy việc cất chai sữa ở cánh tủ lạnh rất tiện lợi cho bạn nhưng cũng chính vì thế mà sữa nhanh bị hỏng hơn. Cánh tủ lạnh có nhiệt độ không ổn định do thường xuyên được mở ra. Sữa sẽ tiếp xúc với không khí nóng bên ngoài. Vì vậy, bạn chỉ nên uống sữa trong vòng 1 – 2 ngày.
Đúng: Bảo quản sữa ở phía trong của ngăn trên cùng tủ lạnh nơi có nhiệt độ thấp nhất, cách xa cánh cửa.
2. Thịt sống
Sai: Ngăn trên cùng
Thịt sống thường bị hỏng rất nhanh, có lẽ vì thế nên nhiều người thường bảo quản thịt ở ngăn trên cùng để dễ thấy nhất. Nhưng điều đó đồng nghĩa với nguy cơ nước thịt sẽ bị chảy ra gây nhiễm chéo sang các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh.
Đúng: Bảo quản thịt ở ngăn cuối cùng trong tủ lạnh. Để an toàn hơn, để thịt lên một chiếc đĩa hoặc khay để dễ dàng lau chùi tủ lạnh. Bạn cũng nên bảo quản trong ngăn đá ngay sau khi mua nếu chưa ăn đến.
3. Cà chua
Sai: Bảo quản trong tủ lạnh
Không phải tất cả thực phẩm tươi đều cần bảo quản trong tủ lạnh. Nếu để trong tủ lạnh, kết cấu và hương vị của cà chua sẽ bị thay đổi.
Đúng: Giữ cà chua ở nhiệt độ thường trong bếp là cách bảo quản đúng nhất. Nếu sợ cà chua chín quá nhanh, bạn có thể cho vào ngăn rau củ ở dưới cùng tủ lạnh. Không nên xếp chúng vào cùng một bát hoặc rổ vì khi một quả bị hỏng, chúng sẽ nhanh chóng lan sang các quả khác. Bạn nên để trên một chiếc đĩa to, có khoảng cách giữa các quả để thoáng khí.
Ảnh minh họa từ Internet
4. Bánh mì
Sai: Để trong tủ lạnh
Không khí lạnh sẽ khiến bánh mì bị khô rất nhanh và trở nên cứng.
Đúng: Cách tốt nhất để giữ bánh mì là bọc kín chúng lại và để ở nhiệt độ phòng. Nếu muốn dùng lâu hơn vài ngày, tốt nhất là bạn nên bảo quản trong ngăn đá. Trước khi bảo quản trong ngăn đá, bạn nên bọc kín hai lớp (chẳng hạn 2 lần túi hoặc 1 lần giấy 1 lần túi). Để rã đông bánh, bỏ lớp giấy và túi bên ngoài, nướng lại ở nhiệt độ 175 độ trong 35 – 40 phút.
5. Bơ
Sai: Luôn để trong tủ lạnh
Đúng: Cắt phần bơ đủ để ăn trong 1 - 2 ngày, để trên trên một chiếc khay có nắp đậy ở nhiệt độ phòng. Nếu trời nắng nóng, bạn chỉ để ngoài nửa ngày.
6. Quả bơ
Sai: Cho vào tủ lạnh, cho dù đã chín hay còn xanh.
Đúng: Bạn nên để nhiệt độ phòng cho tới khi chín rồi cho vào tủ lạnh bảo quản trong vài ngày. Nếu bạn không ăn hết quả bơ, vắt một chút nước chanh lên phần thịt quả để tránh bị chuyển sang màu nâu.
7. Quả chuối
Sai: Để chuối trong tủ lạnh sẽ làm cho vỏ bị thâm đen dù chưa chín. Kết cấu của quả cũng bị thay đổi không còn ngon nữa.
Đúng: Bảo quản ở nhiệt độ thường là tốt nhất. Nếu muốn kéo dài tuổi thọ, bạn dùng màng bọc thực phẩm bịt kín phần cuống. Còn nếu có nhiều chuối chín mà chưa kịp ăn, bạn lột vỏ rồi cho vào túi thực phẩm để vào ngăn đá. Cách này sẽ giúp bạn có món sinh tố chuối, yến mạch hoặc sử dụng trong các công thức làm bánh rất dễ dàng.
8. Hành tây
Sai: Cho vào ngăn để rau củ quả sẽ khiến cho hành nhanh hỏng, mất mùi vị.
Đúng: Hành tây sẽ tươi lâu hơn khi để trong túi lưới và bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh nắng. Bạn nên để xa khoai tây vì chúng sẽ nhanh bị hỏng.
9. Khoai tây
Sai: Cho vào tủ lạnh sẽ khiến cho tinh bột trong khoai tây chuyển thành đường.
Đúng: Cũng như hành tây, khoai tây sẽ tươi ngon lâu hơn khi bạn để ở nơi thoáng mát trong bếp. Tuy nhiên, nếu bạn muốn sơ chế trước để tiết kiệm thời gian nấu nướng, cắt gọt khoai tây rồi ngâm vào nước, sau đó bảo quản trong tủ lạnh để tránh bị biến màu.
10. Sốt cà chua và mù tạt
Sai: Để các loại gia vị này trong cánh tủ lạnh là cách làm phổ biến, tuy không có hại nhưng chúng sẽ chiếm nhiều diện tích trong tủ lạnh của bạn.
Đúng: Bạn chỉ cần để trong tủ bếp mà thôi.
11. Dầu ô liu
Sai: Để trong chai thủy tinh trong gần bếp đun khiến cho dầu dễ bị oxy hóa bởi lửa và ánh sáng. Dầu sẽ nhanh chóng bị mất mùi vị vốn có của nó.
Đúng: Để trong chai tối màu, tránh nơi có nắng trực tiếp và nhiệt độ cao.
12. Lá húng quế
Sai: Cho vào tủ lạnh sẽ làm lá rau bị sậm màu.
Đúng: Bạn nên cắt phần cuống và cắm vào một cốc nước rồi để ở nhiệt độ phòng sẽ giữ cành húng quế tươi lâu hơn.
13. Pho mát cứng
Sai: Để nguyên bao bì như khi mua trong tủ lạnh. Khi bạn đã mở gói pho mát, bề mặt pho mát sẽ tiếp xúc với không khí lạnh trong tủ lạnh và nhanh chóng bị khô.
Đúng: Với các loại pho mát như Parmesan và cheddar, bạn hãy bọc chúng trong giấy nến rồi bọc thêm một lớp giấy bạc nữa hoặc cho vào hộp thực phẩm đóng kín nắp trước khi cho vào tủ lạnh. Cách này sẽ giúp bạn giữ được kết cấu và mùi vị thơm ngon của pho mát đồng thời kéo dài tuổi thọ của chúng.
Nguồn: Tiền phong Online (MH)