Giấc ngủ, lo âu và trầm cảm có liên hệ với nhau
Giấc ngủ là yếu tố cần thiết cho sức khỏe tinh thần của chúng ta. Chỉ một đêm mất ngủ thôi cũng đã khiến cơ thể cảm thấy khó chịu, cáu gắt, lo lắng vào hôm sau, theo livescience.com.
Do vậy, không ngạc nhiên khi các vấn đề liên quan đến giấc ngủ như khó ngủ hay ngủ không đủ... có liên quan đến chứng lo âu và trầm cảm.
Chứng lo âu và trầm cảm là khá phổ biến trong cuộc sống hiện tại, gây hại cho sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Phần lớn các bằng chứng cho thấy mối quan hệ rõ ràng giữa các vấn đề giấc ngủ với chứng lo âu và trầm cảm. Và đó là mối quan hệ hai chiều. Có nghĩa là các vấn đề về giấc ngủ có thể dẫn đến lo âu và trầm cảm, và ngược lại cũng vậy.
Chẳng hạn như việc lo lắng hay cảm giác căng thẳng trước khi ngủ có thể khiến bạn trằn trọc cả đêm. Và ngược lại, khi giấc ngủ không ổn và không đủ, bạn sẽ dễ cảm thấy lo âu nhiều hơn.
Rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là mất ngủ, được chứng minh là theo sau chứng lo âu và trầm cảm ở một số người. Nhưng cũng có nhiều trường hợp các triệu chứng xảy ra đồng thời. Thật khó để phân định cái nào xảy ra trước, là rối loạn giấc ngủ hay lo âu và trầm cảm. Một số bằng chứng mới nhất cho thấy các vấn đề về giấc ngủ ở độ tuổi vị thành niên có thể dự báo chứng trầm cảm. Tuy nhiên, ở người lớn thì hiện tượng đó không rõ ràng.
Dù vậy, chúng ta vẫn có thể can thiệp tập trung vào vấn đề giấc ngủ. Cụ thể là cải thiện các rối loạn giấc ngủ của những người có nguy cơ cao mắc bệnh này như thiếu niên, hay những người mới làm mẹ. Khi giấc ngủ được cải thiện phù hợp thì cũng sẽ làm giảm nguy cơ lo âu và trầm cảm.
Những cải thiện chung về giấc ngủ cũng có thể mang lại lợi ích cho người mắc chứng lo âu và trầm cảm.
Dấu hiệu rõ nhất của rối loạn giấc ngủ là cảm giác của bạn trong ngày. Nếu bạn thường thức dậy tươi tỉnh thì bạn là người ngủ ngon. Còn nếu bạn thức dậy trong tình trạng ngái ngủ, khó chịu và không tập trung thì bạn có thể bị rối loạn giấc ngủ.
Nguồn thanhnien.vn (TT)