Chùa Hội Khánh – Một công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lâu đời tại Bình Dương
TTBD - Tọa lạc tại số 29 đường Chùa Hội Khánh, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, chùa Hội Khánh được xây dựng vào thế kỷ XVIII (năm 1741). Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lớn nhất tỉnh Bình Dương, được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia ngày 07/01/1993.
Cổng chùa Hội Khánh
Chùa Hội Khánh đầu tiên có tên là Tổ đình Hội Khánh, là một ngôi chùa cổ do Đại Ngạn Thiền sư (thuộc dòng Lâm Tế) khai sơn năm Cảnh Hưng thứ 2, đời Lê Hiển Tông, tức năm Tân Dậu (1741). Lịch sử ghi chép lại: “Năm thứ 2 đời vua Cảnh Hưng (1741), trên đường du vân truyền đạo, Thiền sư Đại Ngạn đã dừng chân tại một ngọn đồi thuộc làng Bình An, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên (nay thuộc phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) để lập am tu hành. Một thời gian sau, tín đồ đến với Thiền sư ngày càng đông. Từ chiếc am lợp tranh bé nhỏ thủa ban đầu, ngôi Tổ đình Hội Khánh được dựng lên. Vào thời kỳ Đại Ngạn Thiền sư xây Tổ đình Hội Khánh và truyền bá Phật pháp tại đây, vùng đất này còn hoang sơ, rừng rậm và nhiều thú dữ. Tuy dân cư chưa được đông lắm thế nhưng rất được dân chúng tôn sùng. Ngày 09/09 năm Nhâm Thân (1812) Thiền sư Đại Ngạn – Từ Tấn viên tịch”.
Lúc đầu, Tổ đình Hội Khánh được xây trên một ngọn đồi cao, nhưng vào năm 1861 giặc Pháp đánh chiếm Nam bộ, Tổ đình Hội Khánh bị thiêu thủy hoàn toàn. Năm Mậu Thìn (1868), Hòa thượng Thích Chánh Đắc (Toàn Tánh) cho trùng tu lại chùa nhưng không dựng trên nền chùa cũ mà cho xây lại dưới chân đồi, cách vị trí cũ khoảng 100m. Năm 1883, Hòa thượng Thích Trí Tập (Chương Đắc) tổ chức đúc Đại Hồng Chung (đây là pháp khí đầu tiên được đúc tại Thủ Dầu Một). Năm 1885, Hòa thượng Thích Thiện Quới (Ấn Long) tổ chức khắc bản in kinh (mộc bản) gồm kinh Di Đà, Hồng Danh, Vu Lan, Phổ Môn, Kim Cang… Về sau, các bộ kinh được trùng khắc vào năm 1930 do Hòa thượng Thích Từ Văn (Chơn Thinh) chủ trì. Năm 1908, Hòa thượng Thích Từ Văn cho xây dựng lại cổng Tam Quan. Nơi tụng kinh và gian phía Đông của chùa được xây dựng lại vào năm 1917 và gian phía Tây được xây lại vào năm 1984. Chính điện được xây lại năm 1990 và 1991. Dù được trùng tu và mở rộng nhiều lần nhưng chùa Hội Khánh đến nay vẫn không mất đi vẻ trang nghiêm cổ kính.
Vào ngày 29 tháng 02 năm 1992, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Sông Bé cho trùng tu lại những pho tượng cổ trong chùa. Diện tích của chính điện cùng với nơi tụng kinh và hai gian phía bên Đông và Tây là 700m². Trong chính điện có tượng Phật Thích Ca, Địa Tạng và những vị bồ tát khác, tất cả đều làm bằng gỗ mít sơn mài – truyền thống đất Thủ. Ngoài ra còn có tượng của 18 vị La Hán xung quanh chính điện. Các tượng được các thợ trong vùng Thủ Dầu Một tạo tác vào thế kỷ thứ XIX.
Trong suốt 250 năm kể từ ngày thành lập chùa đã có 10 vị sư trụ trì. 09 vị đã mất, được an táng và lập tháp thờ trong khuôn viên chùa. Các vị trụ trì viên tịch gồm có: Thích Đại Ngạn – Từ Tấn (1741 – 1788), Thích Chân Kính – Minh Huệ (1788 – 1815), Thích Chánh Đắc – Toàn Tánh (1815 – 1869), Thích Trí Tập – Chương Đắc (1869 – 1884), Thích Thiện Quới – Ấn Long (1884 – 1906), Thích Từ Văn – Chơn Thinh (1906 – 1931), Thích Ấn Bửu – Thiện Quới (1931 – 1941), Thích Thiện Hương – Thị Huê (1941 – 1971), Thích Quảng Viên – Đồng Bửu (1971 – 1988. Đương nhiệm trụ trì là Hòa thượng Thích Huệ Thông – Nhật Minh, hiện là Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương.
Về cấu trúc, chùa Hội Khánh gồm 5 hạng mục chính là Tiền đường, Chính điện, Hậu tổ, Giảng đường và Hành lang Đông – Tây. Chùa có cấu trúc theo kiểu “nội đinh ngoại quốc”, theo mô hình chữ đinh (丁), nét ngang là Tiền đường, nét sổ dọc gồm Chính điện và Giảng đường, ba hạng mục này sử dụng 92 cột gỗ quý. Kết cấu khung của Tiền đường, Chính điện và Giảng đường đều không tuân theo kết cấu tứ trụ (vuông vức và phát triển không gian đều ra 4 phía) – một kiểu thức đặc trưng của kiến trúc tôn giáo – tín ngưỡng gọi là Stupa (phù đồ = tháp) của Phật giáo (hay gọi là tứ tượng theo tâm thức dịch lý) – khá phổ biến ở nhiều đình, chùa, miếu, võ ở Nam Kỳ. Trái lại, kết cấu bộ khung chùa Hội Khánh là kết cấu của nhà rường (còn gọi là nhà xiên trính) của kiến trúc dân dụng thông thường. Chính điện và Giảng đường được bố trí theo kiểu “sấp đội”, nối liền nhau theo thức “trùng thềm điệp ốc” (mái nhà chồng lên nhau, xà nhà nối liền nhau). Đây là một dạng thức kiến trúc phổ biến đối với đình, chùa ở xứ Đàng Trong thời bấy giờ.
Căn Tiền đường có 5 gian, 2 chái, lòng căn hẹp, hai bên đặt tượng thờ Tiêu diện và Hộ pháp. Chính điện có 2 căn, mỗi căn có 3 gian, 2 chái. Căn nhà gỗ thứ hai lớn hơn. Gian giữa nửa ngoài là Thiên Hương – nơi dùng để đốt hương, gõ mõ, tụng kinh của các sư khi làm lễ; nửa phía trong là Thượng Điện. Trong Thượng điện có nhiều tượng Phật được đặt trên tòa Tam Bảo. Tượng lớn nhất là Phật Tổ ở chính giữa điện, gian bên trái của chính điện thờ 18 vị La Hán, còn bên phải thờ 8 vị Phật “Ngũ hiền”. Giảng đường nằm ở phía sau Chính điện, là căn nhà gỗ lớn 5 gian, 2 chái. Trong căn nhà có đặt bàn thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) và bài vị của các vị sư trụ trì chùa đã viên tịch. Hai bên hành lang (Đông lang và Tây lang) của chùa được dùng làm nơi nghỉ chân của khách thập phương và địa điểm chuẩn bị cỗ chay trong các ngày lễ hội. Ngoài ra, chùa còn một dãy nhà tăng (tăng xá) là nơi sinh hoạt của các nhà sư tu học. Nội thất kiến trúc, tranh, tượng, đồ thờ tự trong chùa Hội Khánh mang đậm dấu ấn của kiến trúc nhà gỗ cổ ở miền Đông Nam bộ, đều được điêu khắc, chạm trổ rất tinh vi với những đề tài quen thuộc như tứ linh, cửu long, dây nho, lá lấp, hoa phù dung, thập bát la hán…
Bộ tượng Thập bát La Hán chùa Hội Khánh
Trong chính điện có gần 100 tượng gỗ được tạo bằng gỗ mít sơn mài, đa phần đều có niên đại cụ thể, nguồn gốc rõ ràng và do chính những nghệ nhân đất Thủ thực hiện. Trong đó đặc biệt phải kể đến bộ tượng Thập bát La Hán, mỗi tượng cao khoảng 0,86m, được một nhóm thợ nổi tiếng ở địa phương tạc vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Bộ tượng này (cùng với kiến trúc của chùa Hội Khánh) từng được chọn đưa sang Pháp tham dự triển lãm tại thành phố Marseille vào năm Canh Thân (1920) do Hòa thượng Thích Từ Văn làm chủ lễ cầu siêu cho dân An Nam tử trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ I. Ngoài ra còn có bộ bao lam “thập bát La Hán” (tạo tác 1921), bức phù điêu “tứ thời” ốp vào hai cột trước Chính điện; các bàn thờ chạm trổ tinh vi hoàn thành vào năm Ất Sửu (1925)… đều mang giá trị nghệ thuật cao.
Trong khuôn viên Chùa Hội Khánh có 4 kiến trúc mang tên 4 thánh tích gắn với Đức Phật, gồm vườn Lâm Tỳ Ni (nơi Đức Phật đản sinh); Bồ Đề đạo tràng (nơi Đức Phật thành đạo), vườn Lộc Uyển (nơi Đức Phật giảng kinh Chuyển pháp luân) và Câu Thi Na (nơi Đức Phật nhập niết bàn).
Vườn Lộc Uyển
Câu Thi Na
Xung quanh sân chùa là 9 ngôi tháp của 9 vị trụ trì đã viên tịch, được xây dựng công phu. Phía bên trái Chùa Hội Khánh còn có ngọn tháp 7 tầng, được xây dựng gần đây. Trong bảo tháp thờ Phật, các vị tổ, các vị trụ trì và bá tánh phật tử. Tầng dưới của tháp là nơi trưng bày các văn hóa phẩm của chùa, như băng đĩa, tượng Phật kỷ niệm, chuông mõ… Ngoài ra, Phật đài cao 22m được xây dựng ở khu đất phía trước Chùa Hội Khánh. Tầng trệt là dãy nhà dài 64m, rộng 23m dùng làm trường Trung cấp Phật học, thư viện... Tầng trên tôn trí đại tượng đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn cao 12m, dài 52m. Đây là một công trình mỹ thuật đáng tự hào của Phật giáo Bình Dương.
Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn
Trong Chùa Hội Khánh còn giữ được bộ mộc bản in kinh khắc năm 1885, đây được xem là bộ mộc bản có niên đại sớm nhất ở Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ được một số bộ kinh Phật như kinh A Di đà, Hồng danh, Vu lan, Bát dương, Phổ môn – những bộ kinh được ấn tống cho các chùa Nam Bộ khá sớm. Ngoài ra, chùa Hội Khánh còn có hai bức phù điêu chạm hình các vị La Hán và Bồ Tát, đây là công trình điêu khắc tuyệt mỹ, có giá trị nghệ thuật cao, cùng bức phù điêu “tứ thời” ốp vào hai cột trước Chánh điện, hay Đại hồng chung được đúc vào năm 1883...
Ngày nay ở Việt Nam, các cơ sở tôn giáo (chùa, miếu, nhà thờ…) được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia có đến hàng ngàn. Đây chính là những giá trị văn hóa vật thể, còn những giá trị văn hóa phi vật thể như các lễ hội, nghi lễ, thánh ca, kịch, tuồng chứa đựng nội dung tôn giáo cũng là những giá trị không hề nhỏ.
Chùa Hội Khánh (phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một) – một kiến trúc Phật giáo, kết cấu gỗ lớn nhất tỉnh Bình Dương, được khởi dựng vào năm 1741. Năm 1861, chùa đã bị giặc Pháp thiêu hủy. Năm 1868, chùa được xây dựng lại với quy mô hiện nay (tổng diện tích khoảng 1.211m2), là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia, gắn liền với quá trình khai phá khu vực Bình Dương của người Việt trong lịch sử. Đặc biệt, chùa còn là nơi hoạt động của Hội Danh dự trong khoảng những năm 1923 – 1926, mà cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thành viên sáng lập. Nét nỗi bật của ngôi cổ tự này là giá trị phong phú về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, đặc biệt phần lớn những di tích, cổ vật hàng mấy trăm năm được bảo tồn lưu giữ cho đến nay. Chính vì thế, chùa Hội Khánh còn được xem là ngôi chùa tiêu biểu cho đặc điểm chung của các ngôi chùa cổ ở tỉnh Bình Dương.
ThS. Nguyễn Văn Hân - Trường Chính trị tỉnh Bình Dương (AT)
Tài liệu tham khảo:
1. Hội khoa học lịch sử Bình Dương (2008): Bình Dương – danh lam cổ tự.
2. Thượng tọa Thích Huệ Thông (2002): Những ngôi chùa ở Bình Dương – quá khứ và hiện tại, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
3. Thượng tọa Thích Huệ Thông (2015), Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb. Văn hóa văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương (2002), Những ngôi chùa ở Bình Dương, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
5. Ủy Ban Nhân dân tỉnh Bình Dương (2011), Địa chí Bình Dương, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.