Vừa hoàn thành kỳ thi học kỳ II năm học 2015- 2016, các trường THPT trong tỉnh đã bắt đầu tập trung ôn thi THPT quốc gia cho học sinh (HS) lớp 12 ở 8 môn thi.
Năm nay, trường THPT Trần Văn Ơn (TX.Thuận An) có 305 HS lớp 12. Nhà trường sắp xếp các lớp ôn tập theo các môn thi bắt buộc là: ngữ văn, toán, tiếng Anh và các môn HS tự chọn. Ở các môn thi chọn xét tốt nghiệp THPT, môn lịch sử có 11 em đăng ký, môn địa lý có 96 em; môn xét tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH. CĐ) thì môn lịch sử có 28 em, môn địa lý có 11 em đăng ký. Theo thầy Ngô Hiếu, Phó Hiệu trưởng, với chủ trương không bỏ sót em nào nên có những môn ít HS trường vẫn tổ chức lớp ôn tập hẳn hoi. Nhà trường tổ chức lớp ôn tập kết hợp giữa ôn tốt nghiệp và luyện thi ĐH. Giáo viên (GV) cho các em làm các đề thi thử theo đề cương của Sở Giáo dục-Đào tạo và đề do GV bộ môn tự biên soạn.
HS lớp 12 cùng trao đổi kinh nghiệm học tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia
Một kỳ thi với hai mục đích, nên GV bộ môn linh động trong hoạt động tổ chức giảng dạy, ôn tập cho HS. Với trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. TDM), trường tổ chức dạy tăng 4 - 5 tiết ở mỗi môn. Từ tháng 3 nhà trường đã phân loại HS để tổ chức các lớp ôn tập phù hợp với năng lực học tập của các em. Khi có kết quả thi học kỳ II, trường sẽ phân loại HS một lần nữa và tập trung bồi dưỡng ráo riết, giúp các em vượt qua kỳ thi 2 trong 1 sắp tới.
Ở các trường vùng xa, nhà trường cũng tập trung ôn thi quyết liệt, nhằm giữ vững tỷ lệ và nâng chất lượng tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH, CĐ. Tại trường THPT Phước Vĩnh (Phú Giáo), bắt đầu từ tuần này nhà trường cũng tổ chức cho HS ôn tập theo các môn thi. Thầy Trần Đình Phú, Hiệu trưởng cho biết, nhà trường đã cho HS chọn môn thi, chủ yếu các em chọn môn lý, hóa, 2 môn lịch sử và địa lý mỗi môn chỉ có 5 HS đăng ký. Nhìn chung HS siêng năng, chịu khó, còn GV thì nỗ lực hết mình lo cho đàn em. Năm nay, nhà trường phấn đấu trên 98% HS tốt nghiệp THPT và tỷ lệ HS đậu ĐH đạt 70% trở lên.
Ôn theo hướng đổi mới
Năm nay, đề thi ra theo hướng tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi gắn với thực tiễn và câu hỏi vận dụng, vì thế GV bộ môn vừa củng cố kiến thức cho HS, vừa rèn luyện kỹ năng làm bài cho các em. Các GV tổ ngữ văn của trường THPT chuyên Hùng Vương cho biết, tổ ngữ văn đã thống nhất kế hoạch ôn thi THPT quốc gia cho HS. GV bám sát đề thi minh họa, đề thi chính thức năm 2014-2015. Tiếp tục bổ sung vào tài liệu ôn tập một số đề mới, trong đó tăng cường phần đọc - hiểu tác phẩm ngoài chương trình. Tăng cường cho HS luyện tập đề, từ đề cụ thể đến nâng cao, luôn gắn lý thuyết với thực hành, gắn nội dung văn bản với các đề cụ thể.
Cô Nguyễn Thị Bích Nhuần, GV dạy môn lịch sử trường THPT Tân Phước Khánh (TX. Tân Uyên), cho biết: “GV của trường hướng dẫn HS nắm bắt kịp thời những thông tin thời sự đang diễn ra để phân tích, đánh giá chính xác một sự kiện lịch sử, điều mà các đề thi hiện nay rất hay đề cập tới. Các thầy cô tập cho HS làm quen với các dạng câu hỏi như: theo em…, hãy cho biết nhận xét của mình về…, em có suy nghĩ gì về…”. Nhóm GV dạy văn lớp 12 trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến (TP. TDM) đã đưa ra kinh nghiệm, ở dạng câu hỏi đọc hiểu, đề thi hiện nay hệ thống câu hỏi theo các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Do đó GV nhà trường đã chủ động thay đổi cách dạy, áp dụng hệ thống câu hỏi đọc hiểu vào mỗi tiết dạy văn bản.
Năm học 2015-2016, toàn tỉnh có khoảng 7.800 HS lớp 12 THPT và giáo dục thường xuyên. Theo ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, để HS đạt kết quả cao ở kỳ thi THPT quốc gia, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường hướng dẫn HS chọn môn thi có lợi cho các em, hạn chế tối đa đổi môn thi. Sở cũng hướng dẫn các trường THPT tổ chức ôn thi cho HS. Theo đó, các trường tổ chức những lớp ôn tập theo hướng phân hóa năng lực HS, theo các môn thi tự chọn; cử GV có đạo đức tốt, có kinh nghiệm, có tâm huyết hướng dẫn ôn tập để có điều kiện nâng cao chất lượng, bảo đảm HS đủ điểm xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH - CĐ. Nhà trường chỉ đạo GV bộ môn, GV chủ nhiệm quan tâm giúp đỡ HS học lực yếu, cần có thêm biện pháp truy bài; vận động những HS khá, giỏi hỗ trợ thêm, giúp những em này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của chương trình. Chú ý tránh tình trạng tạo nhiều áp lực trong học tập và quá tải đối với những em này. Các trường cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, thi thử để nắm diễn biến chất lượng và có hướng điều chỉnh, bổ sung kịp thời, giúp HS được thử sức thường xuyên.
Nguồn baobinhduong.vn (TT)