Dầu Tiếng là một trong những địa phương giàu truyền thống cách mạng. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử với những chiến công vang dội đã trở thành niềm tự hào của dân tộc. 40 năm sau ngày giải phóng, phát huy truyền thống anh dũng trong đấu tranh cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Dầu Tiếng đã từng bước khắc phục khó khăn, quyết tâm xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp.
Hệ thống trường học huyện Dầu Tiếng được đầu tư xây dựng khang trang. Trong ảnh: Trường Tiểu học Dầu Tiếng đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào cuối năm 2014
Một thời hào hùng
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Dầu Tiếng có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự an nguy của chế độ Sài Gòn. Nơi đây từng được ví như một mắt xích trọng yếu trong tuyến phòng thủ trung gian của địch ở phía bắc - tây bắc Sài Gòn. Chính vì vị trí rất quan trọng nên địch đã tìm mọi cách quyết giữ bằng được mặt trận Dầu Tiếng.
Khi chiến dịch mùa khô (1974-1975) lan rộng ra khắp chiến trường, đặc biệt là chiến thắng Phước Long vào đầu tháng 1-1975 đã mở ra nhiều điều kiện thuận lợi, là cơ sở để ta quyết tâm đánh những trận quyết định, nhanh chóng kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trên cơ sở thực hiện quyết tâm của Bộ Chỉ huy Miền, cuối tháng 2-1975, Đảng bộ và nhân dân Dầu Tiếng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đã khẩn trương thực hiện hàng loạt công việc để chuẩn bị giải phóng Dầu Tiếng. Công tác chuẩn bị đã hoàn tất từ ngày 10-3-1975. Đến 5 giờ sáng hôm sau, trong khi các mũi tiến công của Sư đoàn 9, Trung đoàn 16 đồng loạt nổ sung tiến công địch ở Bến Củi, Cầu Tàu… thì tại khu vực Suối Dứa, Đại đội 64 cùng Đội biệt động của huyện và du kích Thanh An đã dùng pháo uy hiếp, đồng thời bao vây, phát loa kêu gọi địch đầu hàng. Tại khu vực thị trấn, các lực lượng vũ trang của ta đã đánh chiếm sân bay, diệt đồn tam giác, đánh địch trong chi khu, chốt Vườn Chuối, ngã ba Cầu Tàu… Nhiều vị trí trọng yếu trong thị trấn đã được các lực lượng của ta chiếm giữ. Sáng ngày 13-3, các mũi tiến công của các đơn vị chủ lực tiếp tục tiến đánh các vị trí còn lại của địch trong chi khu. Đúng 10 giờ sáng ngày 13- 3, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã tung bay trên nóc dinh Quận trưởng Dầu Tiếng. Cuộc tiến công đánh chiếm chi khu quân sự Dầu Tiếng của các đơn vị bộ đội chủ lực phối hợp với quân dân Dầu Tiếng đã kết thúc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn huyện Dầu Tiếng với 13.000 dân.
Từ thắng lợi của chiến dịch giải phóng Dầu Tiếng, lực lượng của ta đã tạo ra hệ thống căn cứ địa liên hoàn và hình thành tuyến hành lang chiến lược thông suốt từ cực Nam Trung bộ đến chiến khu Đ và phía bắc Củ Chi; góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30-4-1975.
Xây dựng quê hương giàu mạnh
40 năm sau ngày giải phóng và nhất là sau ngày tái lập huyện (tháng 8-1999), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể cùng với sự chung tay, góp sức của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, Đảng bộ và nhân dân huyện Dầu Tiếng đã từng bước khắc phục khó khăn, đoàn kết một lòng, tích cực khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để xây dựng huyện nhà đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Những thành tựu đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời minh chứng cho sự kế thừa truyền thống anh hùng, từng bước đưa kinh tế - xã hội của huyện phát triển ổn định, bền vững.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay huyện Dầu Tiếng đã có 4 xã đạt chuẩn NTM. Trong năm 2015, huyện quyết tâm sẽ có 6 xã đạt chuẩn xây dựng NTM nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 10/11 xã.
|
Trong năm 2014, trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần và quyết tâm cao, Đảng bộ huyện Dầu Tiếng đã tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai thực hiện đúng chủ trương, định hướng và giải pháp của Trung ương, của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế địa phương nên kinh tế của huyện tiếp tục có bước phát triển. Ông Trương Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, năm 2014 nền kinh tế của huyện tiếp tục có bước phát triển ổn định và đạt mức tăng trưởng trên 11%; thu nhập bình quân đầu người đạt 32,5 triệu đồng/người/năm; có 4/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,46%; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện… “Việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2014 đã góp phần quan trọng để huyện hoàn thành tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2010-2015”, ông Dũng nói.
Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2015 và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III (nhiệm kỳ 2010-2015), Đảng bộ huyện sẽ quyết tâm xây dựng các cấp ủy Đảng vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức nhằm đoàn kết, bảo đảm thống nhất ý chí và hành động; động viên cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nỗ lực khắc phục khó khăn, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Nguồn baobinhduong.vn (TT)