Tập “Thơ Đồng Nai” của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ vừa được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân tái bản. Đây là tập thơ của vị tướng tài ba, nhân hậu và có tài thi phú mà nhiều bài thơ, nhiều người thuộc nằm lòng…
Người thân và các thế hệ chiến sĩ, cựu binh tại đám giỗ lần thứ 38 thi tướng Huỳnh Văn Nghệ
Tập thơ được giới thiệu trong buổi họp mặt truyền thống Kháng chiến Thủ - Biên thường niên lần thứ 26 mới đây do Bình Dương đăng cai tổ chức. Bạn đọc cũng có thể “tìm thấy” Tập thơ trong tủ sách nhà lưu niệm Huỳnh Văn Nghệ bởi vừa được “bổ sung” vào sự nghiệp bút nghiên của thi tướng trong dịp gia đình, bằng hữu và những chiến sĩ đã thành kính tổ chức kỷ niệm 101 năm ngày sinh và 38 năm ngày mất của Anh hùng lực lượng vũ trang - Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Hàng năm, ngày Tết Nguyên tiêu, mọi người lại nhớ về ông như nhớ về một người đã sống hết lòng vì quê hương, thơ ca.
Tại nhà lưu niệm của thi tướng ở xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, nhiều người tự nhận mình là đàn em của thi tướng và kể về ông với một niềm tự hào sâu sắc đã được gặp, làm việc cùng ông tướng giỏi thơ văn… Các cựu binh Thủ Biên, các vị lão thành cách mạng cũng đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thời “gươm - bút” của ông. Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ là một người con ưu tú của vùng đất Chiến khu Đ. Ông sinh năm 1914, mất năm 1977, nguyên quán Thường Tân nay thuộc Bắc Tân Uyên. Năm 1934, ông đỗ bậc Thành chung ở trường Petrus Ký, làm viên chức cho Sở Hỏa xa Sài Gòn. Ông viết báo, làm thơ đăng trên báo tiếng Việt và tiếng Pháp ở Sài Gòn từ năm 1935. Năm 1942, ông tổ chức xuất bản Tạp chí “Hồn cố hương” - tờ báo Việt ngữ đầu tiên ở Thái Lan. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Huỳnh Văn Nghệ vừa trực tiếp chiến đấu vừa làm báo và sáng tác thơ, văn. Thơ của ông giàu tính hiện thực, kể về cuộc sống ở vùng đất Đông Nam bộ. Ông viết về mẹ rất cảm động trong bài “Bà bán cau”, viết về những chiến sĩ áo trắng quân dân y ở chiến khu phải cưa chân cho một chiến sĩ Chi đội 10 bị thương mà không có thuốc tê: “Bác sĩ đang cưa chân/ Một chiến sĩ bị thương/ Bằng cưa thợ mộc/ Bác sĩ vừa cưa vừa khóc/ Chị cứu thương mắt cũng đỏ hoe…” (Tiếng hát giữa rừng, 1946).
Sự nghiệp của một tướng lĩnh rất mềm mỏng, nhân hậu và có những vần thơ xuất chúng “Ai đi về Bắc ta theo với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”… luôn là niềm tự hào của người dân Bình Dương.
Nguồn baobinhduong.vn (TT)