Hạn chế tình trạng vi phạm luật giao thông ở nông thôn: Cần tăng cường công tác tuyên truyền
Thời gian qua, các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành Luật Giao thông đường bộ (GTĐB). Song song đó, công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm cũng thực hiện nghiêm nên tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh đã giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Tuy nhiên, có một thực trạng là tình trạng người dân ở vùng nông thôn vi phạm quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) vẫn diễn ra phổ biến.
Một xe khách gặp TNGT tại địa bàn xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên.
Vi phạm Luật Giao thông đường bộ có xu hướng gia tăng
Những câu chuyện buồn khi con mất mẹ, vợ mất chồng, gia đình mất đi người thân hoặc nhiều người phải gánh chịu thương tật nặng nề vì TNGT là chuyện xảy ra không ít đối với các vùng nông thôn trong thời gian qua, đặc biệt là các dịp giỗ chạp, cưới, hỏi, hay các thời điểm trước, trong và sau tết.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, tháng 1-2015, toàn quốc xảy ra 925 vụ TNGT đường bộ, làm chết 765 người, bị thương 577 người. Trong đó, số vụ TNGT xảy ra trên các tuyến đường giao thông nông thôn hiện xếp thứ hai sau số vụ tai nạn tại các tuyến quốc lộ; xếp thứ ba là số vụ tai nạn xảy ra tại các tuyến đường nội thị. Đáng chú ý, tỷ lệ tai nạn trên đường liên xã, liên huyện, tỉnh lộ chiếm hơn 29%; đường làng, thôn, xóm chiếm 19%.
Năm 2014, tỉnh Bình Dương đã kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí, toàn tỉnh xảy ra 2.736 vụ, làm chết 318 người, làm bị thương 3.378 người; so với cùng kỳ năm 2013, TNGT giảm 713 vụ (tương đương 20,67 %), giảm 68 người chết (17,62%), giảm 910 người bị thương (21,22%). Điều đáng mừng là thời gian qua, TNGT tại các vùng nông thôn ở Bình Dương không cao, tuy nhiên, nếu quan sát thực tế sẽ thấy ở các vùng nông thôn tình trạng vi phạm Luật GTĐB lại đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết.
Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua, có dịp đi lại trên một số địa bàn nông thôn, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều vụ vi phạm Luật GTĐB của người tham gia giao thông ở đây: Rất nhiều trường hợp xe gắn máy chở 3, 4 người nhưng không ai đội mũ bảo hiểm; nhiều xe gắn máy chở 3 người mà những người ngồi trên xe mặt ai cũng đỏ phừng phừng vì rượu; rất nhiều người chuyển hướng nhưng không phát tín hiệu xin đường, từ trong đường nhỏ xe cứ phăm phăm chạy với tốc độ cao ra đường lớn, làm nhiều người bị va quẹt, té ngã ...
Địa bàn xã Tân Bình (huyện Bắc Tân Uyên) gần đây đã xảy ra một vụ TNGT làm 1 người chết, 2 người bị thương, mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, xử lý kém, thiếu quan sát, điều khiển phương tiện tham gia giao thông sai làn đường. Mới đây nhất là vụ TNGT xảy ra vào khuya 5-3-2015 giữa xe chở khách và xe hàng trên địa bàn xã. Tai nạn xảy ra làm xe khách BS 51B1- 111.79 bị hư hỏng nặng phần đầu, một người bị thương nặng kẹt trong xe. Lực lượng công an xã phải huy động máy cắt sắt để đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân được xác định do tài xế chạy tốc độ cao trong đêm, thiếu quan sát dẫn đến tai nạn. Ông Lê Văn Năm, Trưởng Công an xã Tân Bình cho biết: “Thời điểm trước và trong tết, chúng tôi đã cử lực lượng thường xuyên túc trực tại một số tuyến đường trọng điểm để vừa bảo đảm công tác ANTT và ATGT, nhờ đó trong thời gian này trên địa bàn xã không xảy ra vụ TNGT nào. Tuy nhiên, sau tết, do lượng người tham gia giao thông tăng nên tình hình về ATGT cũng diễn biến phức tạp theo…”.
Cần nâng cao ý thức của người dân
Có thể nói, đến nay tuy số vụ TNGT ở khu vực nông thôn trong tỉnh không cao nhưng chúng ta cần phải hết sức cảnh giác vì phần lớn các con đường ở nông thôn giờ đã được bê tông hóa, nhựa hóa, nhiều con đường được mở rộng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân nhưng ý thức và kiến thức về Luật GTĐB của một số người tham gia giao thông ở khu vực này còn hạn chế. Nhiều người cứ phóng nhanh, vượt ẩu, đặc biệt là trong những ngày tết, nhiều người có thói quen sử dụng rượu, bia quá nhiều nên không làm chủ được tốc độ. Bên cạnh đó, khu vực nông thôn hiện nay vẫn tồn tại nhiều phương tiện giao thông quá cũ kỹ, không đủ tiêu chuẩn lưu thông nhưng người dân vẫn sử dụng. Trên địa bàn xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên) trong năm 2014 đã xảy ra 7 vụ TNGT, làm chết 2 người và 6 người bị thương, trong đó nhiều vụ có nguyên nhân là do xe “quá đát” được đưa vào lưu thông. Điều đáng chú ý nữa là đoạn đường ĐT746 đi qua địa bàn xã khá nhỏ hẹp nhưng vẫn xảy ra tai nạn chết người. Theo ông Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng Công an xã thì các vụ tai nạn xảy ra với lỗi phần lớn do người tham gia lưu thông chưa ý thức chấp hành Luật GTĐB để bảo đảm an toàn cho bản thân và người khác…
Một nguyên nhân nữa khiến cho tình trạng vi phạm Luật GTĐB ở các vùng nông thôn còn diễn ra phổ biến là do các địa bàn vùng nông thôn thường rất thiếu lực lượng tuần tra, kiểm soát. Những trường hợp vi phạm không bị xử lý, chấn chỉnh kịp thời cũng là lý do khiến tình trạng vi phạm các quy tắc bảo đảm ATGT ở nông thôn có xu hướng gia tăng.
Nhằm hạn chế TNGT và va chạm giao thông ở nông thôn, thiết nghĩ, trước hết cần phải nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành Luật GTĐB cho người dân thông qua các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn TNCS HCM… Nhà trường cũng nên tăng cường các tiết học về ATGT. Việc giáo dục ATGT nên đưa vào các buổi sinh hoạt dưới cờ. Bên cạnh đó, với quá trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn, ngành chức năng cần kịp thời lắp đặt đầy đủ các biển báo, biển hạn chế tốc độ, đồng thời bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vụ vi phạm nhằm hạn chế các nguy cơ có thể gây ra TNGT ở vùng nông thôn.
Nguồn baobinhduong.vn (TT)