Năm 2015 có nhiều ngày lễ kỷ niệm những sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt là kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với sự phát triển chung về mọi mặt, sự nghiệp giáo dục cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng đã có sự phát triển vượt bậc. Dịp này, ngành giáo dục - đào tạo tỉnh sẽ có nhiều hoạt động nhằm ghi lại dấu ấn thành tựu qua 40 năm.
Giáo viên TP.Thủ Dầu Một tích cực làm và sử dụng đồ dùng dạy học tự làm
Ngay từ cuối tháng 12- 2014, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm giáo dục Bình Dương qua 40 năm. Điểm nhấn của chuỗi hoạt động này là triển lãm thành tựu ngành. Triển lãm giới thiệu sự phát triển của các cấp học mầm non -mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên của các huyện, thị, thành phố. Sự thay đổi về giáo dục của mỗi địa phương sẽ được thể hiện qua các biểu đồ phát triển.
Sự sáng tạo của nghề dạy học được thể hiện qua việc giáo viên làm và sử dụng đồ dùng dạy học tự làm, viết sáng kiến kinh nghiệm. Tại triển lãm sẽ trưng bày các thiết bị dạy học tự làm đã được giáo viên ở các trường sử dụng hiệu quả và phổ biến rộng rãi. Ngoài các thiết bị truyền thống còn có những phần mềm do giáo viên tự sáng tạo ra và giảng dạy có hiệu quả. Những giáo án mẫu, sáng kiến kinh nghiệm từ loại B trở lên, đề tài khoa học kỹ thuật đạt giải cao của giáo viên cũng được trưng bày tại triển lãm. Ông Lê Minh Vũ, Phó phòng GD-ĐT TX.Bến Cát cho hay, đến với triển lãm được tổ chức vào ngày 19-3 tới, phòng chọn lựa 20 bộ đồ dùng dự thi và tham gia triển lãm. Đây là cơ hội quý báu để các giáo viên được tham khảo, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, cùng nâng cao chất lượng giảng dạy.
Kể từ khi đất nước thống nhất, cùng với sự phát triển chung về mọi mặt của tỉnh, sự nghiệp giáo dục thật sự lớn mạnh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thành tích đó có sự đóng góp không mệt mỏi của đội ngũ nhà giáo. Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ghi nhớ công lao của các nhà giáo, ngành GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị tri ân nhà giáo kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuyên dương nhà giáo tiêu biểu của ngành qua 40 năm phát triển. Giáo dục có tính kế thừa, do đó việc tôn vinh các nhà giáo thời kháng chiến nhằm tri ân những người thầy đã góp sức duy trì nền giáo dục trong thời kháng chiến, góp phần diệt giặc dốt. Riêng đối với những nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy phải có bản lĩnh chính trị vững vàng; bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành; là gia đình văn hóa, gia đình hiếu học tiêu biểu ở địa phương; gương mẫu trong công tác, yêu ngành, yêu nghề; là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống; có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…
Qua tìm hiểu ở cơ sở, các phòng GD-ĐT lựa chọn những nhà giáo được tôn vinh trong dịp này thực sự tiêu biểu. Các nhà giáo có ý thức nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp; tích cực tự học, tự bồi dưỡng; năng động, sáng tạo và có nhiều giải pháp mang lại hiệu quả tốt trong giảng dạy. Thông qua tuyên dương nhằm khích lệ đội ngũ nhà giáo tích cực học tập, lao động, sáng tạo; phát huy nội lực, đẩy mạnh phong trào tự học, tự bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo có phẩm chất, năng lực theo yêu cầu và chuẩn nghề nghiệp; tâm huyết, gắn bó với nghề, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong giai đoạn mới.
Nguồn baobinhduong.vn (TT)