Sinh thời Bác Hồ từng căn dặn cán bộ y tế: “Đừng có ngại khó ngại khổ. Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu, phải dịu dàng, khiêm tốn, thương yêu đồng bào, không được hách dịch, ban ơn...”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, những thế hệ thầy thuốc tỉnh nhà đã không ngại gian khó, luôn tận tụy, hết lòng thương yêu và chăm sóc bệnh nhân (BN)…
Những thầy thuốc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2014 nhận bằng khen của UBND tỉnh
Tận tụy với công việc
Phải thừa nhận rằng, thời gian qua, những vụ việc không hay ở một số cơ sở y tế trên cả nước liên quan đến vấn đề y đức của người thầy thuốc được phản ánh không ít trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng nếu mang cái này ra để đánh giá cho toàn bộ ngành y quả không công bằng. Bởi, đa số cán bộ ngành y vẫn giữ được y đức của mình, cố gắng học tập nâng cao trình độ để phục vụ BN ngày càng tốt hơn. Vẫn có rất nhiều y, bác sĩ ngày đêm túc trực để cứu chữa cho người bệnh trong cơn nguy kịch, giành lại cuộc sống cho họ trong những hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Đó là hình ảnh người thầy thuốc ở khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh mà chúng tôi đã có dịp chứng kiến trong những ngày trực Tết Nguyên đán vừa qua. Ngày tết, ai cũng có niềm vui riêng, tham gia vui chơi giải trí, còn họ thì vẫn âm thầm làm việc nơi phòng bệnh. Dù đêm khuya hay sáng sớm, khi những người khác còn ngon giấc ở nhà thì họ lại “chong mắt” canh chừng những BN nặng đang được theo dõi; để kịp thời cấp cứu ngay khi có ca bệnh mới nhập viện, đặc biệt là những ca tai nạn giao thông, tai biến...
Là một cán bộ y tế từng công tác tại khoa cấp cứu, BVĐK tỉnh, bác sĩ Thái Thanh Vân, hiện đang công tác tại Sở Y tế từng chia sẻ: “Đa số BN vào khoa này đều là bệnh nặng, ở giai đoạn thập tử nhất sinh. Bởi thế, y đức và tay nghề của người thầy thuốc có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Từng tham gia cùng đồng nghiệp cấp cứu nhiều BN qua cơn nguy kịch, điều mà chúng tôi hạnh phúc nhất là khi thấy BN hồi phục trở lại. Việc chăm sóc BN cũng có vai trò rất quan trọng, mỗi thầy thuốc phải xem người bệnh như người thân của mình thì mới thông cảm, chia sẻ với nỗi đau của người bệnh để chăm sóc người bệnh tận tình, chu đáo”.
Dù đã hẹn trước nhưng lần nào đến Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh để liên hệ công tác, tôi thường ngồi chờ BS Nguyễn Văn Hóa, Giám đốc bệnh viện khám hết cho BN mới bắt đầu làm việc. Hình ảnh một vị giám đốc luôn túc trực ở phòng khám, nhẹ nhàng, ân cần đối với BN làm tôi càng nể phục người thầy thuốc này. Chưa bao giờ thấy BS Hóa to tiếng với BN hay nhân viên của mình. Ngược lại, nhiều BN cũng không biết người ngồi khám cho mình là giám đốc BV. Bởi thế, có thắc mắc nào họ đều thân mật trao đổi và được BS Hóa giải thích, chỉ dẫn rất tận tình. Có lẽ vì thế mà cán bộ công chức, nhân viên tại BV Phục hồi chức năng đã học tập được ở ông nhiều điều trong cung cách phục vụ, đối xử với BN.
Kim Chi đang khám cho bệnh nhân tâm thần
Hết lòng phục vụ người bệnh
Thầy thuốc, dù trực tiếp khám chữa bệnh cho BN hay ở “tuyến sau” đều là những người hy sinh thầm lặng và hết lòng với nghề nghiệp mình đã chọn. Điều dưỡng Trịnh Ngọc Tố Nhi (BV thuộc Trung tâm Y tế Dầu Tiếng) là một tấm gương sáng về y đức và luôn cố gắng phấn đấu để tiến bộ hơn. Tố Nhi sinh năm 1980, là người con của quê hương Dầu Tiếng. Trong công tác, cô luôn hứa với mình sẽ cố gắng để phục vụ BN một cách tốt nhất. Lúc còn làm điều dưỡng, Tố Nhi từng bị BN la mắng, làm phiền lòng nhưng cô vẫn nhẹ nhàng giải thích. Nay Tố Nhi chuyển sang Phòng Kế hoạch tổng hợp nhưng vẫn luôn làm tốt công việc của mình. Cô vinh dự được nhận 2 bằng khen của UBND tỉnh, nhiều giấy khen của Sở Y tế và 4 năm liền Nhi đều đạt chiến sĩ thi đua.
Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc ngày 27-2- 1955, Bác Hồ viết: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Cán bộ phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói đó rất đúng. Vì vậy, cán bộ nhân viên ngành y cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế tiên tiến, dân tộc, khoa học, đại chúng gắn với nhu cầu thực tế của nhân dân”.
|
Khó ai có thể biết hết những công việc lặng thầm của các nhân viên y tế phải “ngồi cho muỗi chích rồi bắt về để… nghiên cứu” của các bạn trẻ ở Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh. Thức đêm, vất vả, thù lao không bao nhiêu nhưng họ thường động viên nhau đó là công việc. Có dịp đến các khoa Lao, Nhiễm, Tâm thần kinh… của BVĐK tỉnh càng thấy rõ hơn sự hy sinh này. Đợt dịch sởi rộ lên của năm 2014, khi chúng tôi đến khoa Nhiễm, BVĐK tỉnh mới thấy sự lo lắng tột cùng của người thân, BN ở đây. Cán bộ, nhân viên của khoa cũng căng thẳng không kém khi số BN ngày một tăng, phải kê thêm giường ở hành lang. BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Nhiễm cho biết, BN được các khoa khám bệnh từ ngoại, nội, tai mũi họng của bệnh viện khi nghi ngờ sởi đã cho chuyển xuống khoa Nhiễm để theo dõi, điều trị. Nếu người thầy thuốc e dè, sợ sệt thì khó có thể chữa chạy tận tình cho BN được. Họ đã làm việc trong môi trường khó khăn như thế nhưng ai nấy đều động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Tâm sự cùng chúng tôi về nghề y trong những ngày này, điều dưỡng Đỗ Thị Kim Chi, khoa Tâm thần kinh, BVĐK tỉnh nói: “Em từng bị BN… nắm tóc, giúi đầu!”. Kim Chi sinh năm 1990 và mới ra trường công tác gần 2 năm nay. Là điều dưỡng của khoa Tâm thần kinh, BVĐK tỉnh nên công việc của Kim Chi đòi hỏi phải tận tụy, chính xác từng giờ giấc và từng loại thuốc được phát cho BN. Khác với các khoa khác, điều dưỡng có thể đưa thuốc cho BN tự uống hay người nhà chăm sóc bệnh thì ở khoa này, tự tay điều dưỡng phải chia thuốc theo toa của BS điều trị, rồi còn phải “canh” BN uống thuốc đúng liều, đúng giờ. Bởi, có những BN thường “giả vờ” uống xong phun thuốc ra nếu điều dưỡng không nhắc nhở. Kim Chi kể: “Với BN tâm thần mình phải nhẹ nhàng, mềm mỏng và gần gũi với họ. Có những người mình phải tiếp xúc nhiều lần, lắng nghe tâm sự của họ để họ hợp tác tích cực với mình chứ không là nguy cơ về tai nạn nghề nghiệp rất cao”.
Dù trong hoàn cảnh nào, người thầy thuốc với trách nhiệm cứu người cao cả phải đặt việc rèn luyện đạo đức, đặt trách nhiệm nghề nghiệp lên hàng đầu để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Phải thường xuyên thực hành những điều đó mới xứng đáng với truyền thống tốt đẹp, cao quý của người thầy thuốc mà Bác Hồ hằng mong.
Nguồn baobinhduong.vn (TT)