Gốm sứ Bình Dương không chỉ là những sản phẩm có giá trị vật chất mà còn là những tinh hoa thể hiện nét văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương. Với niềm tự hào và đam mê gốm, đam mê những “hòn đất biết hóa tâm hồn”, nhiều văn nghệ sĩ cũng đã thăng hoa tài năng của mình trong các tác phẩm nghệ thuật.
Tác phẩm “Hồn của đất” do NSƯT Trần Ly Ly dàn dựng.
Từ những bài hát tân nhạc, cổ nhạc đến những tác phẩm múa về Bình Dương đều thấp thoáng hình ảnh những sản phẩm gốm với những hoa văn đẹp và tinh túy. Mới đây, trong số những tiết mục của chương trình nghệ thuật phục vụ khán giả tỉnh nhà của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh, đông đảo người xem đã rất thích thú với “Hồn của đất”, tiết mục múa do NSƯT Trần Ly Ly dàn dựng. “Đây là một tác phẩm nghệ thuật chất lượng, bởi đi đến đâu biểu diễn, chúng tôi cũng nhận được sự cổ vũ nhiệt tình, những lời khen ngợi và những tràng pháo tay tán thưởng cho bài múa này”, nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, Trưởng Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh cho biết.
Qua “Hồn của đất”, khán giả dễ dàng cảm nhận được ngay những tình cảm của tác giả cũng như những thông điệp muốn giữ gìn và làm cho gốm sứ đất Thủ thêm thăng hoa, bay cao bay xa. Đó là những câu chuyện về đời sống nhọc nhằn của người thợ làng gốm, những câu chuyện làm cho đất “cũng có tâm hồn”. Những hòn đất vô tri vô giác khi qua bàn tay tài hoa nhào nặn khéo léo của người thợ đã trở thành những sản phẩm gốm sứ mang tinh hoa văn hóa Việt đến khắp mọi nơi. Chia sẻ với người viết về tác phẩm của mình, NSƯT Trần Ly Ly cho biết: “Tôi cảm ơn lãnh đạo Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh đã tạo điều kiện để tôi có dịp đóng góp cho phong trào văn nghệ ở Bình Dương. Và thật hạnh phúc khi đứa con tinh thần của mình được đông đảo khán giả đón nhận và yêu mến”.
Bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhận xét: “Đã có nhiều tác phẩm múa về gốm sứ Bình Dương nhưng “Hồn của đất” đã đem đến cho người xem nhiều cảm giác mới lạ. Những ngôn ngữ hình thể, nét mặt, những động tác khó hòa cùng những “giai điệu gốm” trong bài múa đã phản ánh rất thực một nét văn hóa riêng của đất và người Bình Dương”.
Nguồn baobinhduong.vn (TT)