TS Nguyễn Thị Liên Thương, Phó Trưởng khoa Tài nguyên - Môi trường trường Đại học Thủ Dầu Một đã nghiên cứu thành công quy trình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo (ĐTHT) chủng Cordyceps militaris trên môi trường tổng hợp. Đây là thành công bước đầu trong chuỗi đề tài nghiên cứu nuôi trồng các loại nấm dược liệu có giá trị trên môi trường nhân tạo do TS Nguyễn Thị Liên Thương chủ trì.
Hình ảnh sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo nuôi cấy thành công tại phòng thí nghiệm trường Đại học Thủ Dầu Một
Tin vui đầu năm về khoa học công nghệ
Nấm ĐTHT được coi như một trong những loại thần dược nổi tiếng trên thế giới, chứa nhiều hoạt chất sinh học có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người. Tên gọi ĐTHT xuất phát từ quan sát thực tế khi thấy vào mùa đông thì nhìn cặp cá thể này giống con sâu (côn trùng), đến mùa hè nấm mọc chồi từ đầu con sâu nhô lên khỏi mặt đất, trông giống một loài thực vật (thảo mộc) hơn. Theo các tài liệu ghi chép của y học Trung Quốc, nấm ĐTHT được đánh giá rất cao về y dược trong nhiều thế kỷ. Nhiều nghiên cứu y học hiện đại đều khẳng định, nấm ĐTHT có giá trị dinh dưỡng cao, tăng cường sức khỏe, nâng cao hệ miễn dịch, kháng khuẩn, kháng virus, có tác dụng tốt tới trẻ em còi xương chậm lớn, hỗ trợ điều trị cho người bị bệnh hen phế quản, viêm phế quản mãn tính, ho lao, phù hợp với mọi lứa tuổi, có tác dụng tích cực đến các bệnh như rối loạn tình dục, thận hư, liệt dương, di tinh, cải thiện chức năng thận, đau lưng, mỏi gối, ho hen, chống ung thư và các chất phóng xạ, có tác dụng đặc trị đối với bệnh viêm tiền liệt tuyến và bệnh tiểu đường…
ĐTHT (chủng Cordyceps sp.) là một loài nấm ký sinh trên côn trùng, thuộc họ Clavicipitaceae, vốn nổi tiếng là một loại dược liệu quý hiếm, đã và đang được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm nghiên cứu. Nấm Cordyceps sp. đã được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu và đạt được những thành tựu. Một số nước đã thành công trong việc nuôi cấy các loại nấm Cordyceps sp. có giá trị và sản xuất với quy mô công nghiệp trên diện rộng như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia... Hiện tại có hơn 750 loài Cordyceps sp. được ghi nhận. Tuy nhiên, chỉ có một vài loại Cordyceps sp. được khai thác hoạt tính sinh học để sử dụng cho mục đích thương mại như Cordyceps sinensis, Cordyceps militaris, Cordyceps takaomonata và thực tế không cung cấp đủ cho nhu cầu thị trường rất lớn hiện nay. Trong số đó, loài C.militaris là loài dược liệu quý, thích hợp nuôi cấy quy mô lớn và sản sinh ra hợp chất có tác dụng điều trị bệnh ung thư, kháng virus, kháng khuẩn như cordycepin (3’- deoxyadenosine C10H13N5O3), adenosine, polysaccharide…
Sau 24 tháng tiến hành, được sự hỗ trợ giống từ các giáo sư tại Hàn Quốc và từ các mẫu phân lập từ tự nhiên, nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Liên Thương đã nuôi cấy thành công nấm ĐTHT chủng Cordyceps militaris trong môi trường lỏng và rắn bổ sung các thành phần đạm từ nhộng, nấm men và thực vật trong các điều kiện tối ưu hóa về ẩm độ, ánh sáng, nhiệt độ, áp lực oxy. Qua thời gian thử nghiệm và lặp lại trên các mẫu, cho thấy nấm lên tốt và đạt được những chỉ số cordycepin từ 6-8 g/l.
PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết: “Thành công của TS Nguyễn Thị Liên Thương trong việc nuôi cấy thành công nấm ĐTHT là một tin vui đầu tiên về lĩnh vực khoa học công nghệ, đánh dấu một bước phát triển về nghiên cứu khoa học, thể hiện năng lực và nỗ lực nghiên cứu khoa học của giảng viên trường Đại học Thủ Dầu Một. Tôi tin rằng trong năm mới, Đại học Thủ Dầu Một sẽ có nhiều hơn nữa những thành công trong nghiên cứu và giảng dạy, nhất là trong việc triển khai các đề tài nghiên cứu về miền Đông Nam bộ nhằm phục vụ thiết thực cho kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và khu vực”.
Một thành viên nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Liên Thương đang làm việc tại phòng thí nghiệm nhà trường
Tấm lòng của người con Bình Dương
Ở nước ta, các nhà khoa học cũng đã tiến hành nghiên cứu đề tài này từ khá lâu và cho thấy nhiều kết quả khả quan, song do quy trình nuôi cấy khá phức tạp, đòi hỏi phải có sự đầu tư kỹ lưỡng về công nghệ, loại nấm này vẫn chưa nuôi cấy rộng rãi và đến nay, giáthành loại nấm này vẫn rất cao, chưa thểsản xuất quy mô lớn ứng dụng trong y dược vàlàm các thực phẩm chức năng đểtăng sức khỏe cho đại đa sốngười dân. Trên thị trường Việt Nam hiện có bán nhiều loại nấm ĐTHT, song phần lớn đều nhập từ Trung Quốc, nguồn gốc và chất lượng không rõ ràng, giá thành lại rất đắt đỏ.
Sinh ra và lớn lên tại Bình Dương, sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ công nghệ sinh học từ học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc chuyên ngành công nghệ sinh học môi trường, TS Nguyễn Thị Liên Thương trở về công tác, giảng dạy tại trường Đại học Thủ Dầu Một. Là người luôn tâm huyết với hoạt động nghiên cứu khoa học, được sự ủng hộ và tạo điều kiện của lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo khoa và cộng sự trong Khoa Tài nguyên - Môi trường, TS Nguyễn Thị Liên Thương đã quyết tâm triển khai công trình nghiên cứu các loại nấm dược liệu của mình cùng các đồng nghiệp, hy vọng có thể triển khai việc nghiên cứu và nuôi trồng quy mô lớn các loại nấm có dược tính và giá trị dinh dưỡng cao ở Bình Dương. Và việc nuôi cấy thành công chủng ĐTHT này chỉ là bước khởi đầu trong chuỗi đề tài nghiên cứu về các loại nấm dược liệu trong các nghiên cứu kế tiếp về mảng sinh học ứng dụng của giảng viên Khoa Tài nguyên - Môi trường, song đã đem đến cho nhóm nghiên cứu niềm hứng khởi. TS Nguyễn Thị Liên Thương mong muốn với những thành công ban đầu này, trong thời gian sắp đến có thể nuôi trồng rộng rãi chủng nấm, liên kết với các ngành chức năng để mở rộng khả năng sản xuất nấm có dược tính, giá trị kinh tế cao tại Bình Dương và các vùng lân cận này nhằm hạ giá thành sản phẩm, đồng thời chuyển giao công nghệ đến người dân. Tin vui này từ trường Đại học Thủ Dầu Một hứa hẹn trong tương lai không xa, người dân Bình Dương và vùng lân cận sẽ có cơ hội được sử dụng vị thuốc quý hiếm này với giá cả hợp lý.
Nguồn baobinhduong.vn (TT)