Ngày 25-1, Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tới Ấn Độ với nhiều kỳ vọng. Tháp tùng Tổng thống Obama là một phái đoàn lớn. Theo truyền thông Ấn Độ, có 7 lĩnh vực sẽ được lãnh đạo hai nước thảo luận tại các cuộc hội đàm, bao gồm đánh giá tầm quan trọng của quan hệ chiến lược giữa hai nước; hợp tác quốc phòng; hợp tác hạt nhân dân sự; hợp tác về năng lượng tái tạo; vấn đề biến đổi khí hậu; hợp tác kinh tế và chia sẻ thông tin tình báo.
Thủ tướng Ấn Độ Modi (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc gặp ở New Delhi.
Vươn tới tầm cao mới
Chỉ 4 tháng sau khi gặp nhau tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Obama tái ngộ Thủ tướng Ấn Độ Modi. Điều này cho thấy tham vọng nhanh chóng thắt chặt các mối liên hệ giữa hai cường quốc. Ông Obama cũng là lãnh đạo đầu tiên của nước Mỹ tham dự buổi lễ diễu hành chào mừng Ngày Cộng hòa tại New Delhi.
Theo Reuters, quy mô, địa thế, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như tiềm năng với tư cách một đối trọng trước Trung Quốc trong khu vực Nam Á của Ấn Độ khiến Mỹ càng đề cao quốc gia này hơn, đặc biệt trên khía cạnh quân sự và thương mại. Washington mong qua chuyến thăm lần này một mối quan hệ gần gũi hơn nữa sẽ được thiết lập. Đổi lại, Ấn Độ muốn tăng cường hợp tác trong hành động chống chủ nghĩa khủng bố, đồng thời tiếp cận những mặt hàng công nghệ cao phục vụ dân sinh và quân sự từ Mỹ.
Hợp tác năng lượng, quốc phòng
Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ “mở khóa” cho các khoản hợp tác đầu tư trị giá nhiều tỷ USD giữa Mỹ và Ấn Độ trong lĩnh vực năng lượng. Năm 2008 hai nước ký một thỏa thuận hạt nhân dân sự mang tính bước ngoặt. Tuy nhiên, một điều khoản quy định các nhà thầu cung cấp dịch vụ sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu có rủi ro hay tai nạn xảy ra trong quá trình thi công đã khiến New Delhi phải cân nhắc lại thỏa thuận. Điều này không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Năng lượng tái tạo cũng là một lĩnh vực mà Ấn Độ quan tâm. New Delhi mong muốn các công ty Mỹ giúp đỡ trong việc điều phối khoản tiền trị giá 100 tỷ USD đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo.
Ông Modi và Obama năm ngoái lạc quan khi đặt mục tiêu tăng gấp 5 lần kim ngạch thương mại, lên mức 500 tỷ USD. Nhưng các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ không ít lần phải thất vọng trước thực tế là khả năng tiếp cận thị trường Ấn Độ bị giới hạn nhiều mặt. Bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ tại Ấn Độ cũng là một thách thức cần vượt qua.
Theo Diplomat, Washington và New Delhi cũng sẽ tìm cách để tận dụng triệt để Sáng kiến Thương mại và Công nghệ quốc phòng (DTTI), công bố năm 2012. DTTI là một thỏa thuận có nội dung hỗ trợ thúc đẩy hợp tác Mỹ - Ấn trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng và cho phép cùng hợp tác phát triển các hệ thống quốc phòng then chốt.
Thực ra DTTI chỉ là một biên bản thể hiện sự thỏa hiệp giữa ưu tiên về thương mại của Washington với mối quan tâm của Ấn Độ tới quá trình chuyển giao công nghệ từ Mỹ nhằm giúp New Delhi xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng bản địa. Điều này dẫn tới bất đồng trong những sáng kiến thúc đẩy hợp tác. Trong hai năm qua, tất cả 17 dự án mà Washington đề xuất liên quan đến DTTI đều không được thông qua.
Chuyên gia nổi tiếng chuyên nghiên cứu về Ấn Độ Stephen Cohen nhận xét: “Một tầm nhìn chiến lược chung giữa Mỹ và Ấn Độ đang hình thành, một khi tầm nhìn chung này còn tồn tại thì quan hệ quốc phòng sẽ ngày càng bền chặt hơn”.
Nguồn baobinhduong.vn (TT)