Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng của các cơ sở đào tạo. Để làm được điều này, ngoài nguồn lực đào tạo của nhà trường, việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp (DN) hết sức quan trọng. Thời gian qua, trường Đại học (ĐH) Thủ Dầu Một đã thực hiện khá hiệu quả mô hình liên kết với các doanh nghiệp.
SV trường ĐH Thủ Dầu Một đặt câu hỏi trong buổi tham quan tại Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Tăng cường hợp tác
Ngay từ những năm đầu thành lập, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ cán bộ giảng viên, trường ĐH Thủ Dầu Một đã đặt mối quan hệ với các DN, nhằm phục vụ cho công tác đào tạo. Theo TS. Hoàng Trọng Quyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường, mối quan hệ hợp tác đào tạo giữa trường và đơn vị sử dụng lao động thông qua nhiều hình thức như đưa sinh viên (SV) đến cơ sở thực tập, thỉnh giảng, hội thảo, hội nghị... Trong đó, việc phối hợp với đơn vị sử dụng lao động trong việc tạo điều kiện cho SV thực tập, thực hành rất quan trọng. Qua đó giúp SV, giảng viên của trường có dịp cọ xát với thực tế, giúp nhà trường bổ sung phần thực tế vào chương trình để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo cơ hội việc làm cho SV.
TS. Hoàng Trọng Quyền khẳng định: Hàng năm, nhà trường đều lên kế hoạch tổ chức cho SV tham quan thực tế tại các DN trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ hội cho SV được tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, giúp các em tìm hiểu sâu hơn những kiến thức đã được học so với nhu cầu của công việc và có định hướng tốt hơn trong quá trình học tập và rèn luyện tại trường. Đây cũng là khâu chuẩn bị quan trọng để SV trường ĐH Thủ Dầu Một sau khi ra trường có thể đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.
Hiệu quả từ sự gắn kết
Trong buổi tham quan giao lưu tại Tập đoàn Tân Hiệp Phát, SV trường ĐH Thủ Dầu Một đã được cán bộ, nhân viên của Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ về kinh nghiệm trong phỏng vấn xin việc làm tại các DN. Dưới góc độ của một nhà tuyển dụng, lãnh đạo Tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng giúp SV có sự chuẩn bị thích hợp cho bản thân trong tương lai. Thông qua chương trình, ông Bùi Sinh Viên, Phó Trưởng phòng tuyển dụng nhân sự cấp cao của Tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng đã giải đáp những thắc mắc của các SV về vấn đề chế độ lao động, tiền lương, phúc lợi… mà một thực tập sinh, một nhân viên cần phải nắm bắt để bảo vệ quyền lợi của bản thân khi làm việc tại bất kỳ DN nào.
Ông Bùi Sinh Viên cho rằng: Trước đây, mỗi khi tham gia tuyển nhân sự, chúng tôi nhận thấy nhiều bạn học sinh, SV dù đã được đào tạo nhưng khi tuyển dụng, DN phải đào tạo lại mới có thể làm việc hiệu quả. Hầu hết lao động (từ trình độ nghề đến ĐH) không chỉ hạn chế về chuyên môn mà còn thiếu nhiều kỹ năng mềm, nhất là thiếu kiến thức xã hội, mục tiêu nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp... Lỗ hổng này có thể lấp được, nếu như các trường chủ động phối hợp đào tạo với các DN để nắm bắt nhu cầu của DN. Ngược lại, các DN muốn tuyển lao động đạt yêu cầu, đỡ tốn thời gian, chi phí đào tạo lại, cũng cần chủ động liên hệ với các trường để “đặt hàng” đào tạo theo nhu cầu. SV Nguyễn Thị Lan Hương, lớp D12QT03, trường ĐH Thủ Dầu Một chia sẻ: “Qua những chuyến tham quan, chúng em được tiếp cận và tìm hiểu môi trường làm việc thực tế tại DN. Qua đây, chúng em học hỏi được rất nhiều kiến thức thực tế bổ ích trên cơ sở những kiến thức được học tại trường…”.
Thực hiện tốt mối liên hệ hợp tác giữa nhà trường và DN là mục tiêu mà trường ĐH Thủ Dầu Một đang quyết tâm hướng đến. Từ đó, cũng là biện pháp để đưa uy tín và thương hiệu của nhà trường nâng lên trong DN và xã hội. Với DN, từ sự hợp tác tích cực này, cũng sẽ tuyển dụng được nguồn nhân lực có chất lượng, giảm bớt thời gian và chi phí đào tạo lại.
Trường ĐH Thủ Dầu Một hiện đang liên kết với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Becamex UDJ, Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long I, Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Công ty TNHH giày Kraft Vina, Bưu điện tỉnh… để đặt nhu cầu đào tạo cung ứng lao động cho nhiều ngành.
Trung tâm tuyển sinh và thị trường lao động phối hợp với khoa Kinh tế của trường ĐH Thủ Dầu Một vừa tổ chức cho gần 200 SV chuyên ngành Marketing và Kế toán đến tham quan thực tế tại Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Hoạt động thiết thực này nhằm tạo điều kiện cho SV có cơ hội tiếp cận với môi trường làm việc tại DN, giúp SV có thêm kiến thức, kỹ năng làm việc và kinh nghiệm từ thực tế.