“Sau những năm tháng khó khăn, giờ đây cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đã khá giả hơn. Nhiều gia đình có con em học cao trở về phục vụ tại địa phương. Có cuộc sống ấm no, bà con ĐBDTTS đã tìm về bản sắc văn hóa dân tộc mình”, ông Lê Đình Ngọc, Trưởng phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh cho biết.
Ông Trần Thanh Liêm (bìa trái), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen UBND tỉnh cho gương ĐBDTTS tiêu biểu
Vươn lên làm giàu
Tham dự lễ tuyên dương gương điển hình tiên tiến, những hộ gia đình DTTS tiêu biểu rất phấn khởi. Họ mừng vì nỗ lực của bản thân, gia đình đã “đơm hoa kết trái”. Trước đây, đời sống gia đình anh Lò Văn Phương Bình (SN 1961, dân tộc Thái, cư ngụ tại phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) gặp không ít khó khăn, nguồn thu nhập chủ yếu đi làm thuê. Năm 1991, anh dùng số vốn ít ỏi mua 2 con heo về nuôi. Bên cạnh nuôi heo, anh tạo thêm thu nhập bằng cách trồng và bán một số loại cây sứ kiểng. Nhờ có chí làm ăn, cùng với sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, đến nay gia đình anh đã giữ vững nghề chăn nuôi, cuộc sống ổn định, thu nhập hàng năm từ 80 - 100 triệu đồng. “Tôi cảm thấy rất vui khi đã làm được điều mình mơ ước là thoát nghèo và lo cho con ăn học. Ngẫm nhìn thành quả đạt được, tôi cảm ơn sự quan tâm của Đảng, chính quyền và mọi người xung quanh”, ông Bình cho biết.
Tự hào kể về chuyện làm ăn của mình, anh Lâm Hồng Quang, dân tộc S’tiêng (phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát) tâm sự, để có cuộc sống như ngày hôm nay anh đã làm đủ mọi nghề. Ngày trước, anh đi làm thuê, sau đó chuyển sang mua bán mủ cao su và thu gom mủ chén. Nhờ Nhà nước cho vay vốn, anh mở rộng kinh doanh thu mua mủ. Đến nay, thu nhập gia đình mỗi năm khoảng 70 - 100 triệu đồng. Gia đình thoát nghèo, nhà cửa được xây dựng khá khang trang và mua sắm đầy đủ vật dụng trong gia đình.
Gia đình ông Danh Riêm (SN 1952, dân tộc Khmer, xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng) cho biết, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình tôi từ một hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Ông kể, trong lúc gia đình đang gặp khó khăn thì được Nhà nước xét cho vay vốn để chăn nuôi heo, gà và trồng cao su. Gia đình anh còn được cán bộ thú y và khuyến nông hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt. “Tích tiểu thành đại”, vừa làm vừa tiết kiệm, đến nay gia đình ông Danh Riêm đã có hơn 6 ha cao su đang cho thu hoạch, 100 con gà với tổng thu nhập hàng năm 1 tỷ đồng.
Ngoài các hộ ĐBDTTS điển hình trên, Bình Dương còn trên 10 hộ ĐBDTTS làm ăn có hiệu quả, trở thành điển hình tiên tiến trong năm 2014. Ông Lê Đình Ngọc cho biết thêm, hầu hết các hộ ĐBDTTS trên địa bàn đã cơ bản thoát nghèo, vươn lên xây dựng cuộc sống khá giả. Nhiều hộ còn thực hiện phương châm “lá lành đùm lá rách” giúp đỡ các hộ dân tộc khó khăn khác cùng vươn lên.
Góp sức khôi phục bản sắc
Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần II-2014 có 2 nội dung chính: Liên hoan văn hóa, thể thao các dân tộc và tuyên dương gương điển hình tiên tiến. Liên hoan được tổ chức trong ngày 22-12 với các môn thi đấu thể thao (bóng đá, bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố); thi trại đẹp và thời trang dân tộc. Kết quả nhất các nội dung, trang phục đẹp nhất huyện Dầu Tiếng; trại đẹp thuộc về huyện Bắc Tân Uyên (nhà dài người Ê đê); bóng đá TX.Dĩ An; môn bóng chuyền huyện Phú Giáo; kéo co huyện Phú Giáo và nhảy bao bố TX.Bến Cát…
|
Không chỉ được tuyên dương làm kinh tế giỏi, nhiều hộ DTTS còn được đánh giá cao trong công tác phát huy, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Điển hình ông La Văn Bình (SN 1952, dân tộc Sán Chay, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo). Nhiều năm liền ông được nhận giấy khen, bằng khen nông dân sản xuất giỏi và có nhiều đóng góp trong việc khôi phục, gìn giữ văn hóa dân tộc. Ông cùng mọi người động viên con cháu “tìm lại” bản sắc văn hóa thông qua việc mặc trang phục truyền thống; thành lập câu lạc bộ kéo co, bi sắt… Hàng năm vào mùng 6 tết (âm lịch), dân tộc Sán Chay còn tổ chức tết truyền thống đặc sắc. Lễ hội bao gồm phần lễ với các hoạt động dâng hương cầu mùa màng bội thu, múa Tắc Xình, hát ví dân tộc, rước và dựng cây Còn. Phần hội bao gồm các hoạt động múa lân, tung còn, đi cầu kiều, bịt mắt đánh trống, chơi đu, đẩy gậy, ném bi sắt, kéo co và đi cà kheo. “Qua các hoạt động sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu và yêu nét văn hóa truyền thống của bà con DTTS của mình, từ đó có ý thức để thế hệ trẻ lưu giữ nét văn hóa này”, ông La Văn Bình nói.
Đối với ông Âu Đại Mong, người Nùng, tại xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên; với 5 ha cao su, 50 con gà, 100 con nhím, thu nhập 250 triệu đồng/ năm, gia đình ông thuộc hộ khá giả trên địa bàn xã. Ông Âu Đại Mong bộc bạch, điều kiện khá giả nên gia đình ông luôn giúp đỡ những người khó khăn. Ông thường xuyên quan tâm, đóng góp cho công tác từ thiện xã hội tại địa phương, tích cực tham gia đóng góp quỹ khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa… Tại xã Tân Định rất ít người ĐBDTTS nên việc lưu giữ bản sắc rất khó. Do đó, vào những dịp lễ, tết của người Nùng, ông thường đến xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo để vui đón cùng anh em dân tộc Nùng. Ông thường xuyên đóng góp để người Nùng tại Bình Dương tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao trong tỉnh; hay cử người về dự lễ tết tại quê hương Cao Bằng. Ông Mong luôn nhắc nhở con cháu giữ gìn bản sắc “Cây có cội, nước có nguồn. Chim có tổ người có tông”.
Chính những con người nhiệt tình như ông La Văn Bình, Âu Đại Mong, những năm gần đây ĐBDTTS trong tỉnh tự tìm lại bản sắc. Cụ thể, nhiều dân tộc đã xây dựng sân chơi đậm bản sắc như CLB bi sắt của người Khmer (xã An Bình, huyện Phú Giáo), người Sán Chay (xã Tam Lập, huyện Phú Giáo); trang phục lưu giữ của người Chăm (xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng) và rước cộ bà người Hoa…
Ông TRẦN THANH LIÊM, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh:
Để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và thực hiện chính sách đại đoàn kết các dân tộc, Đảng ta đã xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, ĐBDTTS luôn được coi là một lực lượng quan trọng không chỉ trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước mà còn là lực lượng không thể thiếu trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tại Bình Dương, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và ý thức tự lực phấn đấu vươn lên, ĐBDTTS đã từng bước ổn định sản xuất, nâng mức thu nhập, một số hộ đã trở thành những điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi; số hộ nghèo và cận nghèo trong ĐBDTTS ngày càng giảm; số lượng học sinh, sinh viên là người DTTS ngày càng tăng… Thực tiễn này đã chứng tỏ đời sống vật chất, tinh thần của ĐBDTTS không ngừng được cải thiện.
Nguồn baobinhduong.vn (TT)