Quyết định lịch sử của Mỹ và Cuba trong việc bình thường hóa quan hệ sau hơn nửa thế kỷ sóng gió đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận quốc tế, từ các chính phủ tới các tổ chức đa phương quốc tế.
Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Castro.
Trong phản ứng tức thời sau khi các nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba công bố việc bình thường hóa quan hệ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã gọi đây là một bước đi quan trọng và là một tin tức tốt lành.
"Đây là một thông tin vô cùng tốt lành. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro về bước đi quan trọng này trong việc hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương", TTK Ban Ki-moon phát biểu tại phiên họp báo tổng kết một năm hoạt động của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới.
Ông Ban khẳng định Liên hợp quốc sẵn sàng giúp đỡ hai nước láng giềng Mỹ và Cuba có những bước tiến tích cực hơn nữa trong quan hệ song phương và vun trồng quan hệ tốt đẹp trong thời gian tới.
Liên minh châu Âu (EU) cũng ca ngợi thỏa thuận đột phá giữa Mỹ và Cuba, coi đây là một "bước ngoặt lịch sử".
"Thỏa thuận trên là một thắng lợi của đối thoại trước đối đầu. Hôm nay, một bức tường nữa đã bắt đầu bị kéo đổ", đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại Federica Mogherini nhận định.
Nhà ngoại giao này bày tỏ hy vọng EU sẽ có thể "mở rộng quan hệ với tất cả các thành phần trong xã hội Cuba nhằm thúc đẩy các tiến bộ kinh tế - xã hội và đảm bảo các quyền cơ bản của con người". Cuba là nước duy nhất ở Mỹ Latinh không có đối thoại chính trị với EU nhưng từ đầu năm nay, hai bên đã nối lại các cuộc đàm phán sau hơn 11 năm bị gián đoạn.
Với tư cách Chủ tịch luân phiên EU, Thủ tướng Italy Matteo Renzi nhận định việc Washington và La Habana bình thường hóa quan hệ là quyết định mang tính then chốt và là bước tiến phi thường hướng tới việc đối thoại thay vì đối đầu.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel cũng lên tiếng hoan nghênh quyết định khôi phục quan hệ giữa Mỹ và Cuba.
"Đây là tin rất tốt vào thời điểm có quá nhiều xung đột như hiện nay", người đứng đầu ngành ngoại giao Đức nói.
Là bên trung gian chính cho các cuộc đàm phán bí mật giữa Mỹ và Cuba trong hơn 9 tháng qua, Tòa thánh Vatican cũng đã ra tuyên bố chúc mừng chính phủ hai nước trong việc vượt qua mọi khó khăn để đưa ra quyết định lịch sử.
Thủ tướng Canada Stephen Harper bày tỏ vui mừng trước những thành quả đạt được nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của Ottawa. Canada là nước đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán bí mật cho Mỹ và Cuba, từ đó kéo hai nước láng giềng xích lại gần nhau. Tuy nhiên theo ông Harper, sự nồng ấm này vẫn tới quá chậm nếu như nhìn lại chặng đường hơn 50 năm quan hệ băng giá thời gian qua.
Chính phủ các nước khác ở Mỹ Latinh cũng đã hoan ngênh việc Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ. Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz cho rằng thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba là "sự khởi đầu cho việc chấm dứt Chiến tranh Lạnh ở Mỹ Latinh".
Ngày 17/12/2014 đã trở thành dấu mốc lịch sử trong quan hệ đầy sóng gió giữa Cuba và Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua khi Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng tuyên bố quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ song phương trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đây chỉ là bước đi đầu tiên trong chặng đường dài phía trước bởi giữa hai bên còn rất nhiều điểm khác biệt trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền, dân chủ, nhân quyền và chính sách đối ngoại.
Nguồn dantri.com.vn (TT)