Khẩu hiệu “Thu hẹp khoảng cách” là chủ đề chính được Chương trình phối hợp phòng chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc (UNAIDS) đề ra nhân Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1-12) năm nay.
Ảnh minh họa.
Khẩu hiệu đã nêu bật sự cần thiết trong việc rút ngắn khoảng cách trong việc được tiếp cận các biện pháp điều trị hiệu quả giữa các khu vực và quốc gia khác nhau trên hành tinh, nhằm đạt mục tiêu chấm dứt mối đe dọa chết người do căn bệnh này vào năm 2030.
Theo số liệu của UNAIDS, hiện trên thế giới có khoảng 35 triệu người sống chung với virus HIV.
Riêng năm 2013, có tới 2,1 triệu ca nhiễm mới, trong đó có 240.000 trẻ em và 1,5 triệu người tử vong vì các bệnh liên quan đến AIDS. Đây cũng là nguyên nhân chính gây tử vong ở thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 - 19 tại các nước châu Phi.
UNAIDS cho rằng việc thu hẹp khoảng cách trong cơ hội được xét nghiệm HIV sẽ cho phép 19 triệu người không biết bị phơi nhiễm HIV được nhận sự hỗ trợ cần thiết, và 35 triệu người có HIV/AIDS được tiếp cận các chế phẩm điều trị.
Trước đó, ngày 18-11, UNAIDS đã giới thiệu chương trình “Fast – Track," cho phép gia tăng quyền tiếp cận các biện pháp điều trị hiệu quả và chất lượng của người có HIV/AIDS, với nguồn vốn đầu tư 35,6 tỷ USD từ nay tới năm 2020.
Theo các nhà nghiên cứu, nếu đẩy mạnh các biện pháp tích cực phòng chống HIV/AIDS, tới năm 2030, HIV/AIDS sẽ không còn là mối đe dọa toàn cầu về sức khỏe, cứu 21 triệu người thoát chết và ngăn ngừa được 28 triệu trường hợp bị nhiễm virus.
Trong đó, 5 năm tới sẽ đóng vai trò quyết định trong thành công của chương trình “Fast – Track." Mục tiêu chính là tới năm 2020, số ca nhiễm HIV mới phải giảm còn 500.000, và 10 năm tiếp sau chỉ còn 200.000.
Ngoài ra, một mục tiêu quan trọng khác của dự án là trong 5 năm phải hoàn toàn xóa bỏ thái độ phân biệt và kỳ thị với người có HIV/AIDS.
Theo phóng viên TTXVN tại London, nhân dịp này, một nhóm nghị sỹ liên đảng ở Anh đã cảnh báo việc hàng triệu người có HIV trên thế giới tử vong vì không được tiếp cận thuốc điều trị AIDS, đồng thời kêu gọi Chính phủ Anh, các công ty dược phẩm và các tổ chức đa quốc gia cùng hợp tác để tạo ra các dòng sản phẩm thuốc điều trị AIDS mà mọi bệnh nhân có thể tiếp cận được.
Báo cáo của nhóm nghị sỹ trên nêu rõ nỗ lực toàn cầu để đưa thuốc điều trị AIDS đến với người có HIV ở những nước có thu nhập thấp và trung bình để cứu mạng sống của họ là chưa đủ, một phần do giá thuốc mà các công ty dược phẩm đưa ra quá cao và các nguồn tài trợ bị cắt giảm nhiều.
Nữ nghị sỹ Pamela Nash cho rằng đây là một "thảm kịch thời hiện đại" và là lời cảnh báo khắc nghiệt đối với các chính phủ, trong đó có nước Anh, rằng nếu không gỡ bỏ được những rào cản đối với việc tiếp cận thuốc điều trị AIDS, nhân loại sẽ thất bại trong cuộc chiến kiểm soát và ngăn chặn căn bệnh này.
Theo tổ chức Một chiến dịch (One Campaign), số người được điều trị năm ngoái đã cao hơn số người nhiễm mới, song chi phí 3 tỷ USD mỗi năm cho cuộc chiến chống AIDS là chưa đủ để kiểm soát dịch và thiếu bền vững bởi nguồn đóng góp chính chủ yếu chỉ đến từ ba nước Mỹ, Anh và Pháp.
Thành quả trong cuộc chiến chống AIDS còn rất mong manh và những người có HIV đang tập trung ngày càng tăng vào những đối tượng như người nghiện ma túy, người có quan hệ tình dục đồng giới và người hành nghề mại dâm./.
Nguồn TTXVN (TT)