Dạy học là một nghề đặc biệt, bởi sản phẩm của người thầy chính là những thế hệ học trò có tri thức, có đạo đức, nhân cách. Vì những ý nghĩa đó, nghề dạy học được xã hội tôn vinh. Càng được quý trọng, trọng trách người thầy càng nặng nề. Người thầy có tâm và yêu nghề thường xuyên trau dồi đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp để làm tròn nhiệm vụ “trồng người”.
Giáo viên tham gia tập huấn “Đổi mới cách đánh giá HS tiểu học”
Tận tâm, tận tụy
Yêu cầu đầu tiên ở người thầy là tận tâm, yêu nghề. Người giáo viên tận tâm không dạy theo kiểu rập khuôn, bởi không có phương pháp giảng dạy nào là hoàn chỉnh cả, giáo viên phải biết khơi gợi, hiểu năng lực học sinh (HS) để có phương pháp dạy thích hợp cho từng đối tượng HS. Đối với những HS yếu, người thầy càng theo sát các em hơn, đồng thời động viên, an ủi để các em không tự ti, mặc cảm. Với cô Bùi Thị Oanh, giáo viên trường Tiểu học Lái Thiêu (TX.Thuận An), trong giờ học cô không ngồi một chỗ mà đến từng bàn xem từng HS làm bài. Cô chỉnh sửa các em từ tư thế ngồi đến cách cầm viết đúng cách, hoặc cầm tay học trò chỉnh sửa từng nét chữ viết. “HS ở đây đa số là con em lao động ngoài tỉnh, ít được sự quan tâm của cha mẹ, do đó giáo viên phải sâu sát các em hơn. Với những trường hợp đặc biệt, cô sắp xếp các em ngồi ở vị trí dễ quan sát để dễ kèm cặp”, cô Oanh tâm sự.
Cái tâm của người thầy còn thể hiện ở lòng nhân ái. Từ lòng thương yêu HS như con, thầy cô đem cả con tim, khối óc để nghiên cứu, tìm tòi phương pháp giảng dạy tốt nhất. Tận tâm, tận tụy với HS không chỉ truyền đạt kiến thức, người thầy còn phải tìm hiểu tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh của học trò để có hướng giúp đỡ kịp thời. Cô Trần Nữ Quí, giáo viên trường THCS Định Hòa (TP.Thủ Dầu Một) là một trong số những người thầy như vậy. Cô luôn nhỏ nhẹ, ân cần, nên HS có tâm tư luôn tìm đến cô để giải bày tâm sự. Vốn thương yêu HS, không để các em phải nghỉ bỏ học giữa chừng, cô còn quan tâm, theo dõi những em có hoàn cảnh khó khăn và đề nghị nhà trường có biện pháp giúp đỡ thích hợp. Cô Quí tâm sự: “Làm công tác dạy người không chỉ truyền đạt kiến thức cho HS là đủ, người thầy cần phải gần gũi, giúp các em vượt qua nghịch cảnh để tiếp tục đến trường”.
Người thầy có trách nhiệm với trò còn thể hiện ở tinh thần tự học để nâng cao trình độ. Thời gian qua, đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà đã tích cực tự học, tự rèn để nâng cao trình độ chuẩn và trên chuẩn. Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào hành động “Đạo đức nêu gương, lời nói chuẩn mực, tự học và sáng tạo” đã trở thành hoạt động thường xuyên trong toàn ngành, giúp nâng cao ý thức trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nhận xét, phong trào tự học là hoạt động diễn ra thường xuyên trong ngành giáo dục, trong mỗi giáo viên. Đó chính là cái tâm, là trách nhiệm của người thầy đối với HS. Nhìn lại đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà, hầu hết đều giữ được lòng yêu nghề, được nhân dân, đồng nghiệp và HS yêu mến, quý trọng.
Tích cực đổi mới
Để đáp ứng được vai trò và phẩm chất nhà giáo thời kỳ hội nhập hiện nay, người thầy phải không ngừng tự đổi mới, hoàn thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu mới. Trước những yêu cầu mới, thách thức mới, chúng ta vui mừng nhận thấy rất nhiều thầy cô giáo đã cố gắng vượt lên mọi khó khăn, cả những cám dỗ để ra sức học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nhiều người nay đã là tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân… luôn tận tụy với nghề nghiệp; hết lòng vì học sinh thân yêu và đã đạt nhiều danh hiệu cao quý như nhà giáo ưu tú, chiến sĩ thi đua… Đó là những hình ảnh đẹp cho ngành GD-ĐT chúng ta, đặc biệt là những thầy cô giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, họ xứng đáng được xã hội tôn vinh.
(Ông TRẦN HIẾU, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)
|
Người thầy được ví như người nghệ sĩ và dạy học là một nghệ thuật. Nghệ thuật ở đây là sự sáng tạo của người thầy. Với người thầy có tâm đòi hỏi phải có sự đam mê, sáng tạo, tự làm mới kiến thức, tìm kiếm cái mới phù hợp và cách thức để phát huy sự sáng tạo của HS. Có thể nói, đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, tích cực đổi mới phương pháp dạy, sử dụng đồ dùng dạy học trực quan, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Ở trường Tiểu học Đông Hòa (TX.Dĩ An), đội ngũ giáo viên đã có ý thức tự học nâng cao trình độ công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các thiết bị hiện có. Giáo viên mạnh dạn, không ngại khó, tự thiết kế và sử dụng bài giảng điện tử. Qua đó rèn luyện được kỹ năng và phối hợp tốt các phương pháp dạy học tích cực.
Thực hiện đổi mới giáo dục, năm học này ngành GD-ĐT triển khai đổi mới cách đánh giá HS tiểu học từ cho điểm số sang nhận xét, đánh giá. Việc nhận xét từng HS khiến cho áp lực công việc của người giáo viên tăng lên, nhưng giáo viên ở các trường tiểu học vẫn thực hiện nghiêm túc. Cô Trần Thị Lệ Hồng, giáo viên trường Tiểu học Lý Tự Trọng (TX.Thuận An), cho biết tính tích cực của phương pháp này là giáo viên quan tâm sâu sát HS hơn, phát huy được tính chủ động, tích cực của HS, khuyến khích HS ham học. Do đó, dù việc nhận xét có mất thời gian, giáo viên vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Từ sự tận tâm, tận tụy của đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà, trong năm học qua, chất lượng giáo dục các cấp học tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ HS khá giỏi tăng, tỷ lệ HS yếu kém giảm, chất lượng các kỳ thi HS giỏi cao hơn các năm học trước.
Nguồn baobinhduong.vn (TT)