Hành trình Caravan: Sinh hoạt Truyền thống “Thanh niên Bình Dương - Tiếp nối Truyền thống Anh hùng” năm 2024
TTBD - Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), tối ngày 20/7 tại điểm cuối chặng hành trình caravan đã diễn ra buổi sinh hoạt truyền thống với chủ đề “Thanh niên Bình Dương - Tiếp nối Truyền thống Anh hùng”. Buổi sinh hoạt là một cơ hội quý báu để thế hệ trẻ Bình Dương được lắng nghe và học hỏi từ những câu chuyện hào hùng của các chú cựu Thanh niên xung phong. Đây cũng là dịp để các bạn thanh niên hiểu rõ hơn về những tháng năm lịch sử chống Mỹ cứu nước và những đóng góp to lớn của các thế hệ đi trước trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Hình ảnh buổi sinh hoạt truyền thống
Buổi sinh hoạt bắt đầu bằng những chia sẻ xúc động từ các chú cựu Thanh niên xung phong, những người đã từng xông pha trận mạc, đối mặt với biết bao khó khăn, gian khổ. Những câu chuyện về lòng dũng cảm, sự hy sinh cao cả và tinh thần yêu nước nồng nàn đã khơi dậy trong lòng các bạn trẻ niềm tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm đối với quê hương.
Đoàn viên thanh niên lắng nghe những chi sẻ từ các chú cựu TNXP
Đặc biệt của buổi sinh hoạt là phần nói chuyện chuyên đề về nữ anh hùng Đoàn Thị Liên, một trong những biểu tượng tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đoàn Thị Liên, người con gái kiên cường của mảnh đất Bình Dương.
Tấm gương anh dũng của Đoàn Thị Liên và câu nói bất hủ “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai” đã trở thành lời thề khắp các mặt trận, trở thành truyền thống của các đơn vị Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam.Bà còn là biểu tượng của tuổi trẻ Việt Nam trên chiến trường đánh Mỹ, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng của hàng triệu thanh niên trong phong trào “năm xung phong”, “ba sẵn sàng”…
Bà Đoàn Thị Liên sinh năm 1944, trong một gia đình nông dân nghèo ở ấp 1, xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương). Khi phong trào Đồng Khởi lan tỏa khắp miền Nam, Chánh Phú Hòa đã xuất hiện “Đội quân tóc dài” đấu tranh ba mũi giáp công, trong đó có người nữ thanh niên Đoàn Thị Liên. Năm 1963, bà thoát ly gia đình tham gia lực lượng du kích kháng chiến.
Ngày 20/4/1965, Bà Đoàn Thị Liên chỉ huy một Trung đội Thanh niên xung phong từ Thủ Dầu Một hành quân đến căn cứ R dự lễ thành lập đội Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam làm nhiệm vụ “5 xung phong”. Tại buổi lễ xuất quân Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam giữa rừng Tân Biên, đã tuyên thệ: “Phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công vẻ vang” sát cánh với bộ đội chủ lực quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Vào chiến dịch mùa khô năm 1966, Ban chỉ huy liên đội triển khai nhiệm vụ phục vụ Trung đoàn 6 (Sư đoàn 9) mở chiến dịch đánh Mỹ trên đường 13, tại cầu Cần Lê đoạn từ An Lộc đi Lộc Ninh. Đại đội “Phú Lợi căm thù” do Trung đội trưởng Đoàn Thị Liên chỉ huy đã hăng hái nhận nhiệm vụ tiền trạm, tấp nập chuyển đạn dược, lương thực đến địa điểm tập kết sát đường 13 giao cho các đơn vị bộ đội. Lúc này, Bà Đoàn Thị Liên bị lên cơn sốt rét nặng qua những buổi mang vác đạn dưới những cơn mưa dầm suốt nhiều ngày đêm. Y sĩ trạm quân y cho uống thuốc điều trị nhưng không cắt được cơn sốt rét rừng, trong khi ngày điểm hỏa chiến dịch cận kề. Bà như lửa đốt trong lòng, cương quyết đòi đi làm nhiệm vụ. Đồng chí, đồng đội khuyên bà ở hậu phương trị bệnh, lần sau đi cũng được. Bà vẫn giữ nguyên ý định, không thể nào can ngăn được nên đành phải chấp thuận cho đi. Bà vui mừng như hổ thả về rừng, vác đạn chạy băng băng theo đơn vị bộ đội.
Trong lúc cuộc chiến diễn ra cam go và ác liệt, vì hầm nhỏ nên không đủ sức chứa, bà phải ở trên vừa núp sau gò mối tránh đạn, vừa chuẩn bị bò tiếp vào trận địa tìm thương binh. Bất chợt, một trái đạn pháo nổ gần đó, một mảnh đạn găm vào lưng làm cho bà ngã xuống. Rồi các tiếng pháo nổ liên tiếp chung quanh, bà bình tĩnh la lớn, át tiếng xung quanh: “Chị em xông ra trận cõng tiếp thương binh về hầm, nhanh lên”, lời bà còn vang lên trong trận địa pháo chụp, pháo bầy: “Thà chúng ta hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần hai”. Mệnh lệnh đó vừa dứt, thì trái pháo nổ khác trên ngọn cây, mảnh đạn chụp xuống, nhiều mảnh trúng vào người bà lần thứ hai rất nặng và bà lịm dần bên trên miệng hầm che chắn cho hai đồng chí thương binh ở dưới hầm không bị thương lần nữa. Lúc này, hai anh thương binh mới biết được người chỉ huy Thanh niên xung phong trẻ trung đã che đạn cho mình vừa hy sinh. Hôm ấy là ngày 10/7/1966, Trung đội trưởng Đoàn Thị Liên đã ngã xuống mãi mãi ở tuổi 22, với những ước mơ còn dở dang với chiếc khăn tay thêu những lúc dừng chân hành quân chưa tặng người thương.
Tấm gương anh dũng của Đoàn Thị Liên và câu nói bất hủ “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai” đã trở thành lời thề khắp các mặt trận, trở thành truyền thống của các đơn vị Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam. Bà đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Câu chuyện về người nữ anh hùng Đoàn Thị Liên không chỉ là một bài học lịch sử mà còn là ngọn lửa tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ ngày nay.
Một số hình ảnh diễn ra trong chương trình
Trong phần giao lưu, các bạn thanh niên đã có cơ hội đặt ra nhiều câu hỏi và bày tỏ những suy nghĩ của mình về trách nhiệm của thanh niên trong thời đại mới. Làm thế nào để tiếp nối và phát huy truyền thống anh hùng của cha ông? Làm thế nào để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay? Các chú cựu Thanh niên xung phong đã nhiệt tình chia sẻ và khích lệ các bạn trẻ hãy luôn phấn đấu, rèn luyện bản thân, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao, và đặc biệt là hãy luôn giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần yêu nước để góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh.
Buổi sinh hoạt đã kết thúc trong không khí ấm cúng và đầy ý nghĩa. Các bạn Hội viên thanh niên ra về với tâm trạng phấn khởi và lòng quyết tâm sẽ tiếp tục viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc. Những bài học từ quá khứ, những câu chuyện về sự hy sinh và lòng dũng cảm sẽ mãi là ngọn đuốc soi đường cho bản thân trên con đường phấn đấu và trưởng thành.
Phong Phú (TP)