Những nỗ lực liên tục thời gian vừa qua
Trong điều kiện Đảng duy nhất cầm quyền, bên cạnh đa số những đảng viên tiên phong, gương mẫu được nhân dân tin tưởng, đã xuất hiện một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng và là một trong những nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế cầm quyền của Đảng. Vì vậy, liên tiếp hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành và tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện hai nghị quyết quan trọng, trực tiếp về lĩnh vực này.
Ngày 16-1-2012, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó xác định một trong ba vấn đề cấp bách cần tập trung giải quyết là đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây cũng được xác định “là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất”.
Sau bốn năm thực hiện, Đại hội XII của Đảng đã dành riêng một báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI với nhiều ưu điểm, nhưng về cơ bản vẫn chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Do đó, Đại hội đã xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong những năm tới với “trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI”(1). Nhiệm vụ đầu tiên trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ cũng được xác định là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(2).
Do vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30-10-2016, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Gần ba năm qua, quán triệt quan điểm kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nhân dân, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã được thực hiện nghiêm túc, đạt được một số kết quả cụ thể:
Thứ nhất, nhận thức của cấp ủy các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Các cấp ủy đảng đã nghiêm túc triển khai bằng những đề án, chương trình hành động cụ thể và tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương. Ban Tuyên giáo Trung ương đã xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyên truyền hằng năm về các nội dung tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và xã hội. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đưa thêm bài giảng về giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên vào trong chương trình cao cấp lý luận chính trị và tiếp tục triển khai đến toàn bộ hệ thống các trường chính trị trong cả nước. Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên “Búa liềm vàng” hằng năm, thu hút đông đảo nhà báo thuộc các loại hình báo chí hưởng ứng, tham gia nhiệt tình và đạt hiệu quả rất tích cực. Các cơ quan thông tin truyền thông đã dành thời lượng đáng kể, bằng nhiều hình thức phong phú, với nội dung cụ thể, thiết thực để tuyên truyền, cổ vũ nhân dân góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nhiều bài báo có chất lượng tốt, kịp thời nêu gương những điển hình tiên tiến, đồng thời phát hiện, phê phán những tổ chức, cá nhân có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; thậm chí, tạo áp lực để các cơ quan chức năng sớm giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, qua đó được nhân dân đồng tình cao.
Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng có cách làm hay, như phát hành sổ tay, thi tìm hiểu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, xây dựng chi bộ “bốn tốt”, cụ thể hóa các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để đảng viên phòng, tránh và đấu tranh, ngăn chặn; thảo luận, xây dựng chuẩn mực đạo đức cơ quan, nghề nghiệp, quy định cụ thể về cán bộ, đảng viên, nhất là về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; phân công đảng viên, cấp ủy viên sinh hoạt với chi bộ khu dân cư hằng tháng; phân công đảng viên phụ trách, giúp đỡ, vận động một số gia đình quần chúng thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, định kỳ tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp... Cùng với việc Quốc hội ban hành Luật An ninh mạng, các cấp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và kịp thời phê phán những thông tin xấu, độc hại, góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, tuyên truyền kích động, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch.
Những nỗ lực của các cấp ủy đảng và các cơ quan, “binh chủng” thông tin - truyền thông đã tạo được những chuyển biến thực sự trong nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân về đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và ngoài xã hội.
Thứ hai, việc ban hành các văn bản của Đảng được chú trọng đặc biệt, góp phần quan trọng vào việc khắc phục những “kẽ hở” của các quy chế, quy định có thể bị lợi dụng để làm trái.
Các văn bản của Trung ương về công tác xây dựng Đảng là căn cứ để các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng thuận lợi và nhất quán. Các cơ quan tham mưu của Đảng đã tham mưu cho Đảng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn mọi mặt công tác đảng, nhất là công tác kiểm tra và tổ chức, cán bộ - vốn là công việc rất nhạy cảm và phức tạp hiện nay.
Có thể nói, chưa có thời kỳ nào các văn bản của Đảng về công tác cán bộ được hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhiều như trong hơn nửa nhiệm kỳ vừa qua (45 văn bản)(3). Điều đó phản ánh sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương và sự cố gắng, quyết tâm chính trị cao của các cơ quan tham mưu của Đảng, góp phần tạo nên hệ thống các văn bản tương đối hoàn thiện, đồng bộ, có vai trò quan trọng trong việc thực hiện giải pháp là làm cho cán bộ, công chức “không thể tham nhũng”. Theo đó, các cấp ủy đảng triển khai cụ thể hóa bằng các quy định, quy chế, chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể, phù hợp với từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả, nhất là những vụ, việc gây bức xúc trong dư luận, đã góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Thứ ba, vai trò của tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên từng bước được phát huy.
Thấm nhuần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(4), “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý,”(5)..., Đảng ta luôn coi việc nêu gương của cán bộ, đảng viên là một trong những phương thức lãnh đạo chủ yếu của Đảng.
Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp là chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và xã hội; đồng thời là đối tượng phải thực hiện phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Do đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của cấp trên trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, đề ra chương trình hành động, cam kết sửa chữa khuyết điểm của mình. Nhiều cơ quan, đơn vị còn xác định những biểu hiện tiêu cực cụ thể sát với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế; chấm điểm từng tiêu chí thi đua làm căn cứ đánh giá chất lượng, phân loại tổ chức đảng, đảng viên hằng năm. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã tổ chức lấy ý kiến và lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp, thậm chí kết hợp cả kết quả chấm điểm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trước khi tiến hành kiểm điểm, đánh giá cán bộ, đảng viên, vì thế việc đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên đã trở nên thực chất hơn.
Cấp ủy đảng các cấp đã triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, “Về tránh nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Công tác rà soát, bổ sung, ban hành các quy chế, quy định, văn bản quy phạm cho phù hợp, đồng bộ được chú ý hơn. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đã coi trọng và cải tiến phong cách, lề lối làm việc; tích cực cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng khoa học công nghệ thông tin. Ý thức chấp hành đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên được nâng lên.
Thứ tư, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, nhất là cấp trung ương, có tác dụng rõ rệt, được đảng viên và nhân dân ủng hộ cao.
Nét mới trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng là đã chú trọng kiểm tra, xử lý kỷ luật những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kể cả cán bộ cao cấp, đương chức hay đã nghỉ hưu. Có đương sự đã bị khởi tố, điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật, vì lý do tham nhũng hay vi phạm kỷ luật phát ngôn... Đây là bước đột phá lớn trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, góp phần chủ động ngăn ngừa vi phạm của cán bộ cao cấp và cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe chung đối với mọi cán bộ, đảng viên. Kết quả đó còn góp phần xóa bỏ “vùng cấm”, sự “ngoại lệ”; khẳng định không có nhân nhượng, không có điểm dừng trong cuộc đấu tranh làm trong sạch Đảng, ngăn chặn “tư duy nhiệm kỳ”, “hạ cánh an toàn” đối với mọi cán bộ, đảng viên. Kỷ cương, kỷ luật đảng được siết chặt hơn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã đạt được kết quả rõ rệt. Công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử được quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn, nhất là đối với các vụ, việc gây thất thoát lớn kéo dài, những vụ tham nhũng, kinh tế lớn, nghiêm trọng.
Hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XII, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định kỷ luật hơn 70 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; 5 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương; 14 đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, số còn lại có cả bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, bí thư, phó bí thư, ủy viên ban cán sự đảng bộ, ngành và bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn kinh tế của Nhà nước, 20 cán bộ cấp tướng trong Quân đội và Công an.
Thứ năm, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong xây dựng Đảng.
Các cấp ủy đảng đã quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị khóa XI, “Ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị, “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; coi trọng hơn việc giám sát của nhân dân, công luận, dư luận, của cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, mở rộng dân chủ trong tổ chức đảng, tổ chức nhà nước và ngoài xã hội.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã từng bước chủ động hơn trong việc phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên bằng nhiều hình thức, có tác dụng điều chỉnh hành vi của cán bộ, đảng viên theo hướng tích cực, góp phần cảnh báo, phòng ngừa những sai phạm.
Một số hạn chế cần quyết tâm khắc phục
Một số cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên chưa thực sự tâm huyết, nhận thức chưa đúng và thiếu nghiêm túc trong việc phổ biến, nghiên cứu, quán triệt và học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; thực hiện các giải pháp đề cập trong Nghị quyết thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ, chưa gắn kết giữa các cấp, các ngành, các lĩnh vực và các địa phương. Việc xây dựng chương trình hành động, đề án, kế hoạch thực hiện chưa sát với tình hình, đặc điểm của địa phương, cơ quan, đơn vị, thiếu tính khả thi, thậm chí còn nảy sinh những bất cập mới. Vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ chủ chốt các cấp chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm nêu gương, còn biểu hiện đối phó, né tránh, thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, công tác, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa kịp thời nắm bắt tình hình và tập trung lãnh đạo giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm; chậm xem xét, xử lý dứt điểm những phản ánh, kiến nghị, khiếu kiện đúng đắn và hợp pháp của nhân dân. Hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng ở không ít cấp ủy đảng cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở chưa thực sự rõ nét; thậm chí, nhiều nơi còn chủ quan, coi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ có ở nơi khác chứ không có ở tổ chức đảng của mình và với bản thân mình.
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử có mặt còn hạn chế, có vụ, việc chưa phối hợp chặt chẽ, đồng bộ; có nơi chưa coi trọng kiểm tra phòng ngừa, chưa chủ động phát hiện, chưa kiên quyết xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm. Có trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm nhưng không được xử lý kịp thời dẫn đến cán bộ vi phạm nghiêm trọng hơn, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự. Việc thực hiện kiến nghị, kết luận sau thanh tra, kiểm tra, giám sát nhìn chung còn chậm, chưa triệt để.
Công tác quản lý hoạt động báo chí, xuất bản, in-tơ-nét, mạng xã hội còn hạn chế, chưa kịp thời, hiệu quả thấp. Công tác thông tin, tuyên truyền định hướng dư luận có lúc chưa kịp thời. Đấu tranh của các lực lượng chức năng chống “diễn biến hòa bình” và các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ danh dự, uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị... chưa thực sự chủ động và hiệu quả còn thấp.
Cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kiểm điểm tự phê bình, phê bình chưa cụ thể, còn hình thức. Việc khắc phục khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm chưa rõ, chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt. Việc đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên một số nơi chưa sát thực tế, vẫn còn biểu hiện “bệnh thành tích”. Không ít cấp ủy cấp dưới không tích cực triển khai nhiều quyết định quan trọng của Trung ương trong phòng, chống tham nhũng. Việc kê khai tài sản, thu nhập vẫn chưa có chuyển biến đáng kể và cơ bản vẫn trong tình trạng hình thức, đối phó. Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị khóa XI vẫn chậm được triển khai và hiệu quả thấp.
Vai trò phản biện và việc thực hiện công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội còn hạn chế, chưa phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân, báo chí trong đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, lãng phí. Việc nhận diện và xử lý các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn lúng túng. Tình trạng nể nang, ngại va chạm, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Nhiều cấp ủy đảng chưa thực hiện nghiêm Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3-10-2017, của Ban Bí thư Trung ương, “Ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Thậm chí, có cấp ủy khi triển khai Hướng dẫn khung đã cắt xén những nội dung quan trọng, “nhạy cảm”, như các hình thức công khai tài sản, chế độ báo cáo, giải trình... Ngay cả quy định đã có rất cụ thể, như “Không đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu phụ trách công tác tổ chức, cán bộ không thực hiện nghiêm và không có hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW của Trung ương tại địa phương, đơn vị mình phụ trách”(6), nhưng nhiều cơ quan không công khai kế hoạch, lộ trình và kết quả tinh giản biên chế, nên rất khó để phát huy vai trò của nhân dân trong công việc quan trọng này.
Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” luôn là việc khó, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì, thậm chí phải bằng nhiều giải pháp mạnh. Trung ương đang chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, chắc chắn sẽ rút ra được những kinh nghiệm quý, tiếp tục hoàn thiện những chủ trương, giải pháp để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân./.
NGUYỄN MINH TUẤN
PGS, TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
-----------------------------------
(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 199, 217
(3) Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 23-5-2017, của Bộ Chính trị, “Về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”; Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21-1-2019, của Ban Bí thư, “Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”; Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25-2-2019, của Bộ Chính trị, “Về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ”; Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017, của Bộ Chính trị, “Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”; Quy định số 07-QĐi/TW, ngày 28-8-2018, của Bộ Chính trị, “Xử lý tổ chức đảng vi phạm”; Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18-2-2019, của Bộ Chính trị, “Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 4-8-2017, của Bộ Chính trị, “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”; Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4-8-2017, của Bộ Chính trị, “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tiếp đến Hội nghị Trung ương 7 khóa XII ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”...
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 1, tr. 284
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 130
(6) Kết luận số 17-KL/TW, ngày 11-9-2017, của Bộ Chính trị, “Về tình hình thực hiện biên chế, tinh giản biên chế, của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015 - 2016; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2017 - 2021”
Nguồn: Tạp chí Cộng sản (NC)